30/7/09

Phong cách POPART trong nội thất

Phan Dương Tuyết Trinh– Khóa M2001. Đại học kiến trúc, TP. HCM
M01
Sinh viên tốt nghiệp:
Phan Dương Tuyết Trinh
M01.4133
Điểm tốt nghiệp: 10
Giáo viên hướng dẫn:
Thầy PHẠM GIA YÊN
Đồ án tốt nghiệp


Lời mở đầu:

I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

“Cái đẹp là vĩnh cửu”, là cái mà ai cũng mong muốn đạt tới. Trong nội thất cũng thế, để có một ngôi nhà đẹp đòi hỏi phải có sự tư duy của nhà thiết kế - người luôn luôn muốn khẳng định cho mình một phong cách riêng nào đó. Với tôi - một nhà thiết kế trong tương lai - sự trẻ trung, năng động, phá cách của nghệ thuật Pop Art (một trào lưu nghệ thuật những năm 60 – 70) đã lôi cuốn tôi đến và cảm nhận.
Nét đặc trưng nổi bật của trường phái Pop Art (Pop Art ) chính là màu sắc và mỗi khi nhắc đến những gam màu sặc sỡ, tươi mới và hiệu quả thị giác tương phản mạnh mẽ người ta nghĩ ngay đến Pop Art . Pop Art không chỉ dừng lại ở màu sắc!
Ngoài tính chất căn bản là sự chuyển động của màu sắc, bằng những ấp ủ của mình và mong muốn thể hiện những ý đồ đột phá mới, tôi còn đặt vấn đề về Pop Art thông qua sự chuyển động của hình khối và ánh sáng. Để thể hiện quan niệm đó, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài tốt nghiệp của mình là : “Nghệ thuật Pop Art trong không gian sống điển hình”.
Với một đề tài tốt nghiệp, có thể là một công trình, có thể là một mô hình kiểu mẫu và có thể là một chuyên đề về một thành tố chuyên môn nào của lĩnh vực thiết kế nội thất. Mong muốn của tôi là vận dụng và tập hợp cả 03 vấn đề trên để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ nhất về nghệ thuật Pop Art .
Pop Art còn khá mới mẻ đối với quan niệm của người dân Việt Nam. Trong đời sống hiện tại, giá trị và tính đại chúng của nó phải được nhà thiết kế đặt tên và chỉ định vì phần lớn người dân Việt Nam chưa thể chủ động nhận ra được trường pháiPop Art (ngoài trừ giới chuyên môn đã có quá trình tham khảo và nghiên cứu). Nếu cách thức nhận dạng phong cách này còn chưa mang tính phổ cập thì việc ứng dụng còn là một khoảng cách rất xa.
Ứng dụng Pop Art vào một không gian sống điển hình là một thông điệp tôi mong muốn được gởi đến các bạn bè sinh viên cùng chuyên ngành, quý thầy cô và đội ngũ nhà thiết kế chuyên nghiệp ngoài xã hội về những tâm huyết và dự định của mình cho đồ án tốt nghiệp. Pop Art cần những tác phẩm nghiên cứu và ứng dụng tiên phong để có thể dần tìm đến những ngóc ngách của cuộc sống, đặc biệt là nghề thiết kế.
Trường phái Pop Art và ứng dụng của nó chưa được đặt vấn đề trong các đồ án tốt nghiệp trước đây và cũng chưa được đặt tên theo đúng tính chất của nó. Vì vậy, đồ án này cũng có thể là cách tôi tìm lại tính đại chúng cho Pop Art .
Không gian sống điển hình của tôi thực chất cũng chỉ là Phòng Khách, Phòng An, Phòng Ngủ, bếp, Sân vườn . . ., những không gian sống gần gũi, thân quen của con người. Con đường nhanh nhất để Pop Art lan tỏa và mang tính đại chúng với người dân Việt Nam trứơc tiên là phải thông qua những không gian sống gần gũi đò!

II. Ý NGHĨA – GIÁ TRỊ CỦA ĐỀ TÀI
1. Ý nghĩa
Khi cuộc sống tiến bộ, tốc độ xây dựng càng mạnh mẽ, không gian sống càng được cải thiện và tiện nghi hơn, sự hình thành và ra đời các khu đô thị mới với hạ tầng đồng bộ là điều tất yếu. Một khu đô thị đáp ứng được nhu cầu sống, làm việc, kinh doanh, giải trí chính là nền tảng quy hoạch, hạ tầng, hệ thống giao thông và cảnh quan môi trường, kiểu dáng kiến trúc, thần thái của những không gian nội thất hoàn chỉnh và đạt tiêu chuẩn. Chúng ta có thể khái quát các thành phần chính của một khu đô thị – khu dân cư mới như sau:.

  • Các công trình dân dụng: nhà chung cư, nhà liên kế, nhà biệt thự
  • Trung tâm thương mại, mua sắm, giải trí.
  • Bệnh viện.
  • Trường học.
  • Cao ốc văn phòng.

Các khối dịch vụ phụ : công viên, sân thể thao, rạp chiếu bóng,…
Việc sự dụng Pop Art vào các khu độ thị mới là rất hợp lý bởi vì chúng ta có thể áp dụng Pop Art một cách đồng bộ, cò hệ thống từ quy hoạch, cảnh quan, kiến trúc, nội và ngoại thất
Với đề tài : “ Nghệ thuật Pop Art trong không gian sống điển hình” , tôi mạnh dạn đề xuất một cách nhìn mới , một hướng đi mới khi ứng dụng trường phái Pop Art vào không gian sống – không gian cụ thể và gần gũi với đời sống kinh tế, xã hội ngày nay
Trong một khu đô thị, mỗi công trình, cụm công trình sẽ có những không gian nội thất đuợc thiết kế theo nhiều phong cách khác nhau, và tôi - với phong cách Pop Art - cũng mong muốn gia nhập vào cuộc chơi và đóng góp một phần trong sự phong phú đó.
Trường phái Pop Art đôi khi được biết đến rất mơ hồ và không đúng nghĩa. Tôi luôn mong muốn đồ án tốt nghiệp của mình sẽ định hình và cụ thể hóa trường pháiPop Art cho những ai chưa hiểu sẽ cảm nhận và yêu thích. Đồ án này cũng là cơ hội để tôi thể hiện và khẳng định khả năng nghiên cứu và thiết kế, tư duy và gu thẩm mỹ của mình.

2. Giá trị của đề tài:
a. Đối với con người:
Công trình được thiết kế nhằm phục vụ cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là những người trẻ, năng động, thích sự sáng tạo, phá cách và có phong cách sống mới, họ chiếm hơn 50% dân số Việt Nam hiện tại, do đó việc thoả mãn nhu cầu về không gian sống cho đối tượng này là đều hết sức bức thiết và có ý nghĩa
b. Đối với nghề thiết kế:

  • Xã hội ngày càng phát triển, đất nước ngày càng hội nhập với thế giới nên xu hướng thiết kế cũng sẽ có nhiều thay đổi với các phong cách mới và tôi hy vọng đề tài này sẽ góp một phần vào xu hướng ấy
  • Khẳng định về sức sáng tạo của những nhà thiết kế Việt Nam để cùng hội nhập với các nước trên thế giới

III. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Tập trung nghiên cứu phong cách, trường phái Pop Art của thập niên 60 – 70, từ đó đúc kết, cô đọng, cảm nhận theo cách riêng của tôi và ứng dụng vào thiết kế cho công trình nhà biệt thự trong khu đô thị
Trường phái Pop Art tự thân nó là hiện đại, do đó, màu sắc, ánh sáng, hình khối, vật liệu xác định đơn giản, cách điệu từ những vật dụng trong cuộc sống đời thường, mang tính công năng, thẩm mỹ và hiệu quả.
Xã hội Việt Nam đang từng bước phát triển và hội nhập đa chiều với thế giới về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật,… Mức sống của người dân ngày một cao, trình độ văn hóa và trình độ thẩm mỹ cũng ngày càng phát triển hơn. Nhu cầu về một không gian nội thất phù hợp với cuộc sống, không cầu kỳ, phức tạp và mang giá trị thẩm mỹ cao càng được quan tâm hơn. Xu hướng hiện đại, đơn giản, ấn tượng, có phong cách được xem là hướng đi của tương lai. Và đồ án của tôi cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

MÀU SẮC hiện diện xung quanh con người, ở mọi nơi. Màu sắc luôn tác động đến cuộc sống, đem lại nhiều cung bậc xúc cảm ngay khi chúng ta chỉ nhìn thấy một ánh nắng chiều vàng, ánh hoàng hôn đỏ rực hay bầu trời xanh ngắt… Màu sắc có sức mạnh làm tâm hồn chúng ta rung động. Thế giới sẽ trở nên buồn tẻ và kém phần xinh đẹp hơn bao giờ hết thiếu sự hiện diện của màu sắc. Màu sắc là yếu tố đặc trưng của trường phái Pop Art . Ngôn ngữ màu sắc của trường phái Pop Art thể hiện đa chiều tính cách của người thiết kế cũng như của chủ nhân ngôi nhà : mạnh mẽ, táo bạo, gợi cảm, quyến rũ, lãng mạn,…

HÌNH KHỐI, ĐƯỜNG NÉT VÀ KIẾN TRÚC,
đặc biệt là sự chuyển động của hình khối cũng là những yếu tố không kém phần quan trọng. Nó thể hiện sự năng động, đột phá, tăng thêm sức căng và sức hấp dẫn cho không gian sống.

NGHỆ THUẬT CHIẾU SÁNG là phần thiết yếu không thể thiếu trong bất kỳ một không gian nội thất hiện đại nào. Điều mà tôi mong muốn vận dụng không chỉ là những nguyên lý chiếu sáng thông thường mà chính là hiệu quả chuyển động của ánh sáng theo tính chất đặc trưng của Pop Art .

IV. GIỚI HẠN ĐỀ TÀI

Các nghiên cứu trong đề tài được vận dụng để thiết kế nội thất cho một nhà biệt thự trong khu đô thị mới có đầy đủ các không gian sống cơ bản như vườn, phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh, phòng àm việc,… Từ đó rút ra một số các nguyên tắc, phương pháp khi áp dụng Pop Art trong thiết kế để phát triển và vận dụng vào các loại công trình khác

V. TÓM TẮT NỘI DUNG :

Gồm 3 phần:

  • Phần 1: Sơ lược về Pop Art .
    Trong phần này, tôi sẽ trình bày nguồn gốc, đặc điểm của Pop Art cũng như xu hướng sử dụng phong cách trên thế giới và Việt Nam như thế nào.
  • Phần 2: Các yếu tố trong Pop Art .
    Phân tích các yếu tố màu sắc, hình khối,đường nét, ánh sáng, kiến trúc trong không gian nội thất và trong Pop Art . Từ đó tổng hợp các yếu tố này thành một không gian hoàn chỉnh với sự kết hợp và bổ trợ lẫn nhau để đạt được hiệu quả cao nhất.
  • Phần 3: Ứng dụng Pop Art vào một công trình điển hình
    Phân tích ưu nhược điểm của công trình và đề ra giải pháp tối ưu sử dụng Pop Art cho công trình đó
    Rút ra một số các nguyên tắc, phương pháp khi áp dụng Pop Art trong thiết kế để phát triển và vận dụng vào các loại công trình khác
  • PHẦN 1: SƠ LƯỢC VỀ POP ART

    I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI
    1. Chính trị xã hội:
    - Chấn thương sau Đại chiến thế giới thứ hai. Chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang. Chiến tranh Việt Nam. ..
    - Những bất công xã hội như : giàu-nghèo, phân biệt chủng tộc, phân biệt nam nữ . . .
    - Những cuộc khủng bố: Kennedy, Martin Luther King bị ám sát. . .…
    Tất cả đã đem đến cho người dân sự hoang mang, thất vọng, bế tắc, ức chế tâm lý, đặc biệt trong giới trẻ.Từ những em bé được sinh ra sau Đại chiến II, thập niên 60 là của tuổi trẻ. Jack Kerouac 1948 gọi họ là “Thế hệ Beat” ( “beat”: tồi, đổ nát, kiệt sức, tuyệt vọng, thất bại; “beatific”: tính chất huyền nhiệm)
    2. Kinh tế xã hội:
    - Tự do hoá mậu dịch, toàn cầu hoá kinh tế . . .sản xuất hàng loạt đã hình thành từ đầu thế kỷ, giờ càng phát triển mạnh vì sự tập trung nhiều công ty, tập đoàn lớn mà thị trường mở rộng qua nhiều nước.
    - Tình hình mức sinh hoạt, mức tiêu thụ được nâng cao cùng với sự lan tràn của lối sống thực dụng, từ đầu thập niên 50 ở Mỹ, sau lan sang châu Âu
    3. Văn hoá xã hội:
    - Khoa học công nghệ: Phát triển vượt bậc của tin học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vô tuyến truyền hình & kỹ thuật bán dẫn…
    - Truyền thông ngày càng trở thành công cụ quảng bá đắc lực, nhiều ưu thế về thông tin và giải trí trong truyền thụ văn hoá và dân chủ hoá văn hoá. Những trào lưu nghệ thuật với tinh thần nổi loạn , vô chính phủ
    - Xuất hiện những trào lưu nghệ thuật phá cách:

    • Dada (1916-1920)
      - Là trào lưu nghệ thuật quốc tế do các nghệ sĩ và nhà văn ở Châu Âu đưa ra trong khoảng 1915 - 1922. Dada say sưa với những điều được coi là ngớ ngẩn và nhấn mạnh vai trò của sự không đoán trước được trong sáng tạo nghệ thuật.
      - Dada có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Pop Art , mà đôi khi còn được gọi là : Dada mới
      - Trừu tượng biểu hiện (Mỹ, 1940-1960)
    • Nghệ thuật tối giản (Mỹ, 1950-1970)
    • Nghệ thuật tình huống (Mỹ, 1957-1972)
    • Pop Art (Mỹ, Âu, 1960-1965)
    • Fluxus (Mỹ, Âu, Nhật, 1960-1965)

    II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
    1. Khởi đầu là Pop music:

    - Người Mỹ có công sinh ra nhạc rock and roll nhưng lại không phát triển nó. Nhạc rock Mỹ dậm chân tại chỗ, dường như quên đi nhạc rock anh roll và thậm chí có nguy cơ chết non.
    - Người Anh đã tiếp nhận nhạc rock và phát triển nó lên một mức cao hơn. Năm 1964, sau khi chinh phục Châu Âu, bốn chàng trai trẻ của xứ Liverpool: John Lenon, Paul McCartney, George Harrison, Ringo Star trong ban nhạc Beatles (1957-1980) dẫn đầu cuộc tấn công nước Mỹ bằng âm nhạc của chính mình và hoàn toàn chinh phục dân Mỹ
    - 1964: Cuộc “xâm lăng” nước Mỹ lần thứ nhất của các ban nhạc Anh: The Beatles, The Rolling Stones, ….và gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường âm nhạc Mỹ. Tuy về mặt giá trị nghệ thuật chưa có nhiều ý nghĩa nhưng về mặt thương mại nó đã tạo thế cân bằng về thị trường băng đĩa ở hai bờ Đại tây Dương, thúc đẩy công nghiệp biểu diễn (showbiz) phát triển mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn và cạnh tranh quyết liệt hơn. Nhạc Rock bắt đầu thực sực trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền. Sự phản kháng của các ban nhạc Mỹ cũng đã làm cho nền âm nhạc Mỹ phát triển hơn.
    - 1967 – Năm của Rock: Cuộc “xâm lăng” nước Mỹ lần thứ nhất của các ban nhạc Anh, dẫn đầu vẫn là The Beatles, với The Bee Gees, The Cream, The Pink Floyd, The Who,… Các ban nhạc Mỹ đã phản kháng dữ dội với The Doors, The Grateful Death, Jimi Hendrix,… đã làm cho nhạc Rock phát triển rất cao về mặt nghệ thuật cũng như về đề tài. Sự cạnh tranh về nghệ thuật và thương mại này đã hình thành ra thể loại Psychedelic Rock và trào lưu Mỹ thuậtPop Art .
    2. Từ Pop music đến Pop Art:

    - Sự cạnh tranh giữa hai nền âm nhạc dẫn tới sự ra đời của Psychedelic Rock và trào lưu mỹ thuật Pop Art
    - Psychedelic Rock hay còn gọi là Acid Rock, là loại nhạc rock siêu thực, dựa trên ảnh hưởng của ma tuý, đưa người nghe đến một thế giới hoàn toàn khác lạ. Thể loại nhạc này phá vỡ cấu trúc thông thường của âm nhạc mà phát triển tự do theo trí tưởng tượng của nhạc sỹ và về mặt nội dung nó khai thác nhiều khía cạnh hơn về thần thoại, cổ tích, ma quỷ, lịch sử.
    - Cùng với Psychedelic rock là trào lưu mỹ thuật Pop Art . Đây là hai mặt của một đồng tiền do sự quan hệ mật thiết giữa hai loại hình này với nhau. Đối với loại âm nhạc đầy ảo giác này thì hình ảnh minh hoạ cho bía đĩa không thể khô cứng mà là một tác phẩm nghệ thuật kích thích trí tưởng tượng của người mua.Pop Art xuất hiện từ những năm 64 - 65 dựa trên những mẫu quảng cáo nay màu sắc cộng với một chút của phái trừu tượng Picasso và những ảo giác của ma tuý.
    - Đến năm 67, cùng với sự phát triển của Psychedelic rock, Pop Art mới thật sự lên ngôi. Trào lưu nghệ thuật này được đánh dấu bởi sự mê hoặc của nền văn hóa Pop nhằm phản ánh xã hội sung túc sau chiến tranh. Với việc ca ngợi các vật dụng trong cuộc sống hàng ngày như lon súp, bột giặt, cột tranh khôi hài trên bao hay chai nước soda. . ., trào lưu này đã biến những hình ảnh phổ biến thành những biểu trưng.
    - Pop Art là hậu duệ trực tiếp của Dada theo cách mà nó thiết lập nghệ thuật bằng những hình ảnh được lấy trên đường phố, trong siêu thị, trên các phương tiện thông tin đại chúng là nghệ thuật. Pop Art nhắm vào những giá trị thường ngày và những hình ảnh có tính đại chúng

    - Andy Warhol, nghệ sĩ tiên phong cho trường phái này ở Mỹ - một thiên tài lập dị, đã thực sự mang Pop Art đến với công chúng. Nghệ thuật của Warhol đã loại bỏ ranh giới giữa mỹ thuật và nghệ thuật thương mại. Các nghệ sĩ Pop Art không tự coi mình là họa sĩ như quan niệm của các nghệ sĩ trước họ mà sử dụng các kỹ thuật thương mại và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật được sản xuất bằng máy với hình thức bóng mượt.

    “Pop Art là phổ thông, nhất thời, có thể tiêu dùng(tiền), chi phí thấp, sản xuất hàng loạt, trẻ tuổi, khôi hài, sexy, phô trương, quyến rũ và các thương vụ lớn”
    – định nghĩa mới nhất v ề nghệ thuật Pop Art .
    Thời kỳ Pop Art phát triển mạnh mẽ gắn liền với các phong trào hippie, phản chiến, giải phóng phụ nữ và chống phân biệt chủng tộc, do đó sức ảnh hưởng của nó to đời sống xã hội là rất lớn; nó là bước ngoặt về phong cách sống, về tinh thần của xã hội. Sang thập niên 80 , Pop Art không còn bùng nổ như trước nữa, nhưng nó vẫn có ảnh hưởng lớn tới đời sống và các trào lưu nghệ thuật sau này.

    III. ĐẶC ĐIỂM CỦA POP ART
    1. Tính đại chúng:

    • Pop Art mở cho sự tham gia của công chúng.
      Nghệ thuật ứng tác (happening) mang tính ngẫu nhiên, tuỳ hứng, dựa trên tác động qua lại giữa người sáng tạo và người thưởng thức (“đồng sáng tạo”).
    • Pop Art lấy đề tài, chất liệu từ đại chúng, từ những vật dụng thông thường hàng ngày.

    Mỗi một nghệ sỹ theo cách riêng của mình sẽ quan niệm về mỗi đề tài, loại chất liệu khác nhau như theo Robert Rauschenberg (Mỹ, 1925- nay )thì “ bất cứ động cơ nào thúc đẩy tôi vẽ đều tốt như nhau, không có đề tài nào nghèo nàn cả”, với ông thì “một đôi tất cũng có thể làm thành một bức tranh chứ không phải chỉ có gỗ, đinh, nhựa thông, sơn dầu, vải…” Và ông đang cố gắng để làm sao có thể hành động đứng giữa nghệ thuật và cuộc sống bởi “nghệ thuật cần tương hợp toàn vẹn với cuộc sống mà chẳng có gì cần tương hợp với nghệ thuật”

    “Những ý tưởng tầm thường, những đồ vật vô dụng…đều được người nghệ sỹ khai thác từ chỗ hư vô và bất động để biến thành chất liệu nghệ thuật”, đó là những gì mà Pierre Restany nghĩ.
    Andy Warhol cho rằng : “Tôi không có cảm giác đang thể hiện những biểu tượng sex chính yếu của thời đại khi vẽ Marilyn hay E.Taylor. Tôi coi Marilyn như một kẻ bất kỳ, tôi thể hiện màu sắc mạnh mẽ chỉ vì đối với tôi những màu ấy cũng đẹp như Marilyn”
    Với Jean Paul Gaultier ( Pháp, 1952- nay ): “Tất cả những chất liệu trong thiên nhiên đều có thể thành y phục của phái đẹp”

Phong cách POPART trong nội thất (Phần III)

PHẦN 1: SƠ LƯỢC VỀ POP ART (tiếp theo)

2. Tính nhất thời, hiệu quả sử dụng cao, giá rẻ:

  • Tính nhất thời: giải pháp cấp kỳ, mẫu mã sản phẩm và các hình thức thể hiện thay đổi theo mốt và nhu cầu của số đông.
  • Hiệu quả sử dụng: nghệ thuật nhưng hữu ích trong tiêu dùng.
  • Giá rẻ: chi phí SX thấp, giá cả phải chăng, phục vụ số đông như tiểu thuyết 4 xu ở Pháp, tiểu thuyết 10 xu ở My (cuối XIX); sách phổ thông, bỏ túi, giá rẻ,…

3. Tính trẻ trung, phóng khoáng, táo bạo, gợi cảm, dí dỏm, hài hước:

  • Ý tưởng táo bạo; bố cục ngẫu hứng; màu sắc hấp dẫn, lôi cuốn, có thể sặc sỡ, tương phản mạnh mẽ; tạo ấn tượng ngộ nghĩnh hoặc gợi cảm; nhấn mạnh những biểu tượng tình yêu, sự thoả mãn, tiện nghi…
  • Tìm kiếm những vật liệu mới
  • Khước từ những quy tắc (xã hội & nghệ thuật) truyền thống cứng nhắc, lạnh lùng.
    Robert Rauschenberg: “Hội hoạ luôn mạnh mẽ nhất vào lúc bất kể bố cục, màu sắc, nó xuất hiện như một điều không thể khác chứ không phải như một sự bày biện”

4. Tính kinh doanh thương mại:

  • Kinh doanh nghệ thuật là bước đầu tiên để dẫn tới nghệ thuật thương mại. Andy Warhol bắt đầu như một nghệ sỹ thương mại và kết thúc như một nghệ sỹ kinh doanh. Đối với Warhol thì “làm ra tiền là một nghệ thuật và kinh doanh giỏi là thứ nghệ thuật cao nhất”.
  • Pop Art lấy hình ảnh từ văn hóa đại chúng và chuyển hoá chúng thành những vật liệu khác, mỹ cảm hoá để chúng trở nên hấp dẫn, quyến rũ hơn. Những hình ảnh mang vẻ quyến rũ hay thảm hoạ đó đều chỉ là những chủ đề không phân biệt và là nội dung của văn hoá hàng hoá.
  • Pop Art trở thành một phần của truyền thông, tận dụng sức mạnh của truyền thông đại chúng phục vụ cho hành vi của con người, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm rất có hiệu quả.

I. ỨNG DỤNG POP ART TRONG THIẾT KẾ NỘI THẤT Ở CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM
1. Các nước trên thế giới:
Pop Art đã được sử dụng từ rất lâu trong nhiều lĩnh vực như hội hoạ, thời trang, đồ hoạ, truyền thông đa phương tiện. Trong thiết kế nội thất nó đã được áp dụng trong rất nhiều loại công trình với sự phá cách mạnh mẽ trong không gian, màu sắc, vật liệu và trang thiết bị

  • Nhà ở

Sử dụng màu sắc rất táo bạo hoặc sử dụng không gian đơn sắc kết hợp với màu sắc và hình khối của trang thiết bị vừa thoả mãn được nhu cầu sử dụng trong cuộc sống hằng ngày vừa tạo ra những xúc cảm đặc biệt phù hợp với các thành viên trong gia đình

  • Công trình công cộng
    Pop Art rất thích hợp với các không gian và công trình mang tính chất giải trí, yêu cầu sự mới lạ, đẹp, có phong cách để thu hút khách như như Bar, quán cà phê, các khu trưng bày, các trung tâm giao lưu văn hoá, …. Cũng có thể sử dụng Pop Art trong các văn phòng, các không gian trong khách sạn

CAFE - BAR


VĂN PHÒNG

ỨNG DỤNG POP ART TRONG KHÔNG GIAN SỐNG ĐIỂN HÌNH (tiếp theo)

2. Việt Nam

  • Đánh giá hiện trạng:
    - Ở Việt Nam, trường phái Pop Art chưa được gọi đúng tên, hầu hết mọi người đều hiểu và gọi chung chung là một phong cách hiện đại, mới.
    - Chỉ mới xuất hiện trong các loại hình không gian giải trí vui chơi phục vụ cho giới trẻ như : cà phê, bar, cửa hàng, studio, . . . còn xuất hiện hạn chế trong không gian sống.
    - Được ứng dụng trộn lẫn với các trường phái khác nên nó càng bị mờ nhạt, chỉ mới được đánh giá là không gian lạ, thể hiện được cái tôi của người thiết kế chứ chưa được hiểu và công nhận là một trường phái.
    - Chưa có các công trình, cụm công trình ứng dụng Pop Art đồng bộ về kiến trúc, nội thất, …..

Cafe Viet’s top – Tp.HCM

Cửa hàng thời trang Forus – TP.HCM- Cafe Terrace – Tp.HCM

Cụm rạp Megastar Cineplex – Hà nội

PHẦN 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Pop Art không có một định nghĩa, nguyên tắc hay một quy chuẩn nào, tuỳ theo cảm nhận của từng người sẽ thể hiện nó với nhiều cách khác nhau. Áp dụng Pop Artvào thiết kế nội thất không phải là việc đơn giản và dễ làm. Để thành công trong công việc đó người thiết kế phải trả lới được các câu hỏi:
Phương cách hiệu quả nhất để đem Pop Art đến với cuộc sống là gì?
- Vận dụng trường phái Pop Art vào thiết kế trang trí nội thất phải qua những chặng đường nào?
- Pop Art phù hợp nhất đối với các đối tượng nào? Và với các đối tượng khác thì việc ứng dụng cần phải chú ý đến điều gì?
Và sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và hoàn thành hai bài đồ án Tổng hợp và Nghiên cứu chuyên đề, tôi đã rút ra được các câu trả lời như sau:
- Để mọi người hiểu và chấp nhận Pop Art trong thiết kế nội thất thì con đường hiệu quả nhất là ứng dụng nó vào các không gian sống điển hình, gần gũi, cụ thể phục vụ cho đời sống của con người.
- Sự vận dụng ở đây là đưa tinh thần Pop Art , các yếu tố Pop Art vào hình khối , màu sắc và ánh sáng – những yếu tố tạo thành không gian nội thất và tổng hợp các yếu tố đó lại với nhau áp dụng cho các không gian sống
- Tuy Pop Art phù hợp nhất với tuổi trẻ, nhưng chúng ta phải nghiên cứu, chắt lọc và ứng dụng nó phù hợp với tất cả các đối tượng về giới tính cũng như tuổi tác. Việc áp dụng này cũng phải kể đến mặt tâm linh, tâm sinh lý, văn hoá của người Việt Nam

I. POP ART – HÌNH KHỐI

Quan niệm về hình khối

  • Các khối cơ bản
    - Khối lập phương, chữ nhật, khối trụ, khối cầu, khối chóp, và các biến thể làm ngôn ngữ biểu hiện chính. Các khối này dễ thoả mãn các yêu cầu công năng và tính hợp lý của các giải pháp kết cấu.
  • Khối mô phỏng
    - Chủ nghĩa biểu hiện trong kiến trúc ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XX.
    - Chất biểu hiện của khối cô đọng trong ngữ nghĩa của hình tượng.
    - Biểu hiện hình tượng cần đến tín hiệu ngữ nghĩa của hình ảnh quen thuộc, cần đến những dấu hiệu quy ước của cộng đồng.

Pop Art hình khối
- Bằng những hình khối cơ bản, tôi đã nghiên cứu từ sự liên kết giữa các hình khối với nhau đến sự biến đổi, chuyển động của chúng và minh họa bằng những trang thiết bị mà Pop Art đã làm từ đó đưa ra sản phẩm mà tôi đã thiết kế cũng từ những hình khối cơ bản ấy

- Đặc trưng của Pop Art là sử dụng khối mô phỏng, lấy ý niệm tử những gì có trong cuộc sông hàng ngày, ví dụ như : vỏ bánh xe tải, hình ảnh đôi môi, . . . có thể trở thành 1 cái ghế bành trong phòng khách, hay quả trứng cũng có thể là 1 cái ghế nghỉ ngơi, thư giản, … . Hình khối Pop Art sẽ được vận dụng vào hình khối của không gian sống và của trang thiết bị nhằm vừa đảm bào công năng, sự quen thuộc vừa gây ra cảm xúc đặc biệt cho người sử dụng

ỨNG DỤNG POP ART TRONG KHÔNG GIAN SỐNG ĐIỂN HÌNH (tiếp theo)

I. POP ART ĐƯỜNG NÉT

Hình thức trang trí trong Pop Art rất đa dạng và phong phú, gồm nhiều loại khác nhau:
- Hình thức sọc: có thể là những sọc thẳng, cong hoặc đan xen lẫn nhau, hay những sọc vô hướng, chúng chuyển động một cách ngẫu nhiên và liên kết với nhau cùng với sự gắn kết của màu sắc sẽ tạo nên những hiệu quả bất ngờ cho người xem


- Hình thức hoa văn: chủ yếu theo kiểu hàng lối, đơn giản nhưng tạo hiệu mạnh bằng màu sắc.

- Hình thức typography (sử dụng nghệ thuật chữ trong thiết kế đồ họa), đây là một hình thức rất đẹp và ấn tượng, đa phần phù hợp với đối tượng là những người trẻ tuổi, năng động hay những người làm nghề thiết kế … yêu thích sự phá cách và tìm kiếm cái mới.

II. POP ART – MÀU SẮC

1. Màu sắc trong không gian nội thất
Màu sắc hiện diện mọi nơi trong môi trường sống của con người. Nó tác động đến cuộc sống và đem lại những xúc cảm cho chúng ta. Không chỉ mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống màu sắc còn nuôi dưỡng tinh thần con người. Màu sắc trong không gian nội thất ngoài việc mang lại sự thoả mãn về thị giác, vẻ đẹp cho không gian sống mà còn phải phù hợp với tâm lý, cá tính và là một liệu pháp y học mang lại sự cân bằng trong cuộc sống của con người

2. Các màu sắc đặc trưng của Pop Art
- Pop Art sử dụng các gam màu cực kỳ tươi mới (các màu le minor)
- Phần lớn là những gam màu bậc 1, chói .
- Ưu điểm:

  • Tươi, mới, dễ phù hợp cho những người trẻ tuổi,năng động, thích sự phá cách
  • Khi sử dụng những gam màu này sẽ tạo được ấn tượng mạnh nhất là ứng dụng cho phòng khách, tạo sự hấp dẫn cho ngôi nhà và tôn giá trị của gia chủ.
  • Trong lĩnh vực quảng cáo, đồ hoạ, truyền thông đa phương tiện, đây là những gam màu rất được ưa chuộng và dễ sử dụng.

- Nhược điểm:

  • Vì là những gam màu bậc 1, chói nên khó sử dụng trong nội thất.
  • Phải kết hợp với các gam màu khác để dung hoà.
  • Ít sử dụng cho ngoại thất do ánh nắng tác động, màu mau phai.
  • Khó sử dụng cho đối tượng là người trung niên và người già.

3. Bố cục màu sắc
Bố cục màu sắc trong Pop Art cũng từ những nguyên lý bố cục màu sắc cơ bản: đơn sắc, tương phản, tương đống, bố trí màu bổ sung, bổ sung phân lập hay tam thể. Cũng bằng nguyên lý chung đó, Pop Art sẽ cho người xem đầy bất ngờ trước sự phối hợp màu đầy phá cách

Đơn sắc- Hoà sắc

4. Cường độ màu sắc
Gồm 3 loại:
- Độ sáng tối của màu (mối quan hệ giữa ánh sáng và bóng tối). Loại này có mặt hầu hết trong mọi thiết kế, không chú ý đến màu, đôi khi chỉ can có độ sáng tối cũng tạo được hiệu quả bất ngờ
- Độ tinh khiết của màu
- Độ cảm nhận nóng hay lạnh của màu. Đó là kết quả của sóng ánh sáng phản xạ lại màu sắc.
Cường độ màu sắc trong Pop Art cũng không ngoài những đặc điểm trên nhưng đa phần cường độ khá mạnh và rất ấn tượng. Vì thế để đưa màu sắc Pop Art vào không gian nội thất đặc biệt là ở Việt Nam chúng ta là một sự cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Màu sắc Pop Art được ứng dụng trong không gian thiết kế của tôi đã được chắt lọc sao cho phù hợp với cuộc sống, văn hóa, khí hậu, con người Việt Nam

ỨNG DỤNG POP ART TRONG KHÔNG GIAN SỐNG ĐIỂN HÌNH (tiếp theo)

I. POP ART – ÁNH SÁNG

2. Ánh sáng trong trang trí nội thất
- Ánh sáng cũng như không khí là yếu tố không thể thiếu cho sự sống. Anh sáng thường được coi là biểu tượng của cuộc sống. Tuy là một thứ phi vật chất nhưng lại ảnh hưởng có vật chất đến cuộc sống của con ngừơi. Con người có thể bị chi phối, ảnh hưởng bởi những thay đổi rất nhỏ của ánh sáng. Nếu không có ánh sáng thì con người sẽ chìm trong bóng đêm, điều đó có nghĩa là giá trị vật chất lẫn tinh thần của con người không được quan tâm đúng cách.
- Trong thiết kế nội thất, ánh sáng phải đáp ứng được như cầu sử dụng của con người. Bên cạnh đó nó tăng thêm hiệu quả trong trang trí nội thất, làm nổi bật hình khối và màu sắc, mang lại những hiệu quả lớn về thị giác, cảm xúc cho con người .

3. Các nguyên lý chiếu sáng trong nội thất
- Chiếu sáng tổng thể
- Chiếu sáng điểm
- Chiếu sáng tập trung

4. Pop Art ánh sáng
- Ánh sáng trong Pop Art là một sự chuyển đổi không ngừng, đa dạng và rất ngẫu hứng về màu sắc.
- Việc sử dụng màu sắc ánh sáng ngẫu hứng của Pop Art kết hợp với các nguyên tắc chiếu sáng cơ bản trong từng không gian sống đề làm tăng hiệu quả sử dụng hình khối và màu sắc Pop Art , tạo thánh một không gian hoàn chỉnh là nhiệm vụ chính của đề tài

Chiếu sáng tổng thể

Chiếu sáng điểm

Chiếu sáng tập trung

II. POP ART KIẾN TRÚC

Sử dụng các phương án về hình khối, màu sắc, ánh sáng cho ngoại thất công trình: như cửa sổ, hàng rào, vườn, … Trong nội thất là ứng dụng cho hình dáng của sổ, cửa đi; hình dáng của sàn, tường, trần và sự kết nối, liên kết giữa chúng



Cửa sổ- Cửa đi

Sàn- Trần

SỰ TỔNG HỢP HÌNH KHỐI – ĐUỜNG NÉT – MÀU SẮC – ÁNH SÁNG – KIẾN TRÚC



PHẦN 3: ỨNG DỤNG POP ART VÀO MỘT KHU ĐÔ THỊ ĐIỂN HÌNH

Phong cách thiết kế là thể hiện tính cách, sở thích của người thiết kế nhằm phục vụ cho lợi ích cuộc sống của con người, làm con người được sống trong một không gian đẹp, thoải mái, hợp lý hơn. Pop Art là một phong cách hiện đại, phù hợp với một khu đô thị mới đang ngày càng phát triển, nơi tập trung tất cả các loại công trình.
Trong phạm vi đề tài tốt nghiệp của mình, tôi ứng dụng nghệ thuật Pop Art cho ngoại thất nhà chung cư và cho một nhà biệt thự trong khu độ thị mới Phú Mỹ Hưng, là những công trình nhà ở, không gian sống cơ bản của con người

I. ỨNG DỤNG POP ART CHO NGOẠI THẤT CÔNG TRÌNH SKY GARDEN

Sky Garden là một tổ hợp khu chung cư đang xây dựng của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Điểm đặc biệt nhất của công trình này là hệ thống vườn trên trao liên kết các toá nhà tạo thành một không gian vui chơi, giai trí , thư giãn rất hữu ích cho các cư dân sống ở đây
Với công trình này tôi ứng dụng Pop Art đưa ra các phương án phối lại màu sơn mặt tiền cho công trình và phương án bố trí về mau sắc cho một đơn nguyên vườn dựa trên hiện trạng của công trình

. ỨNG DỤNG POP ART CHO NHÀ BIỆT THỰ

1. Hồ sơ thiết kế
Công trình tôi chọn là một căn biệt thự trong khu Mỹ Gia II của khu đô thi Phú Mỹ Hưng. Công trình chỉ mới xây dựng sẵn phần thô, chỉ có tường bao và các lỗ cửa; còn sân vườn, không gian trong nhà hoàn toàn trống, chưa chia phòng và chưa hoàn thiện; hệ thống điện, nước trong nhà cũng chưa thiết kế.
Biệt thự gồm có sân vườn, 3 tầng nhà có mặt bằng chữ L, kiến trúc khá hiện đại và đơn giản thích hợp với xây dựng hàng loạt
Đây là một mô hình công trình có thực trong thực tế. Từ việc sử dụng không gian của công trình này để ứng dụng Pop Art , kết hợp với một số can thiệp vào mặt đứng kiến trúc cho phù hợp với tinh thần của đề tài, tôi muốn đưa ra một mô hình hoàn toàn mới, có thể áp dụng vào thực tế và là một phương án để sử dụng cho các khu dân cư khác trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng như các khu đô thị khác sẽ xây dựng trong thời gian tới

2. Nhiệm vụ thiết kế
Với hồ sơ công trình có sẵn, nhiệm vụ của tôi là phân chia không gian và thiết kế đầy đủ các không gian sống điển hình cho một gian đình trong một ngôi nhà. Đó là các không gian:
Phòng khách, Bếp, Phòng ăn, Nhà vệ sinh, Phòng ngủ cho người lớn, Phòng ngủ cho trẻ em, Phòng làm việc
Ngoài ra tôi còn áp dụng Pop Art để thiết kế các không gian ngoại thất là cổng, hàng rào, sân vườn và chỉnh sửa lại mặt tiền ngôi nhà theo đúng tinh thần Pop Art.

3. Phương pháp thiết kế
a. Ý tưởng chủ đạo
Ý tưởng chủ đạo của đề tài là giọt nước và các hình ảnh do giọt nước tạo ra trong tự nhiên .

Nước là một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống con người, nước chiếm 70% thể tích cơ thể người và những nơi hạn hạn, khô cắn sẽ thiếu sự sống và sức sống. Những giọt sương đọng trên là, những giọt nước đọng trên cành cây, trên những sợi tơ, những giọt mưa rơi trong khoảng không, hay đập vào cửa sổ, hay văng tung toé, hoặc đơn giản là những giọt nước ngưng tụ trên thân chai bia ướp lạnh đều mang lại cho con người những cảm xúc nhất định. Nước mang lại cho con người sự sảng khoái, thanh khiết trong tâm hồn
Nước rất phù hợp với tinh thần Pop Art là uyển chuyển, ngẫu nhiên, chuyển động liên tục, khó nắm bắt, dễ tạo hình nhưng cũng mạnh mẽ và đột phá. Nước không có hình dạng cụ thể, hình dạng giọt nước thay đổi kể từ khi bắt đầu hình thành, trong quá trình vận động và va đập vào bề mặt các vật thể là là một quá trình chuyển hoá liên tục và rất linh hoạt, điều đó giúp ta liên tưởng tới các hình khối cầu kỳ, ngẫu hứng, tới những đường nét là những dòng chảy uốn lượn như dòng suối, thác nghềnh. Nước tuy trong suốt nhưng qua hới nước ta có thể thấy được cầu vồng 7 sắc
Giọt nước còn gắn liền với nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác nước, biển cả, … gợi cho chúng ta những cảm xúc mạnh mẽ, sự bao la, những tự sự nội tâm và những kỷ niệm từ khi còn là trẻ thơ đến lúc trưởng thành.
Việc tôi chọn hình tượng giọt nước làm ý tưởng chủ đạo thiết kế nội thất cho công trình là hoàn toàn phù hợp với tinh thần Pop Art , bên cạnh đó nó còn là yếu tố thoả mãn về cả nhu cầu vật chất và tinh thần trong sống con người. Điều đó rất có ý nghĩa trong không gian sống

b. Cụ thể hoá ý tưởng vào thiết kế
Hình ảnh giọt nước và các yếu tố liên hệ tới nước sẽ được sử dụng trong việc thiết kế hình khối của không gian, trang thiết bị trong nhà
Về không gian, sàn tường trần sẽ được ốp thêm một lớp vật việu được tao hình sao cho chúng trở thành một thể thống nhất. Các ô cửa sổ, cửa đi được điều chỉnh về hình dạng, không còn là những hình chữ nhật như thông thường. Điều này thể hiện rất rõ tinh thần của Pop Art cũng như sự liên hệ tới các dòng chảy liên tục, hình dạng ngẫu nhiên của nước.
Về màu sắc, sẽ chọn lọc có nghiên cứu phù hợp với khí hậu, văn hoá, tâm lý, cá tình con người Việt Nam nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của Pop Art . Sử dụng màu sắc theo các đường nét, mảng ngẫu hứng, liên tục, kết nối màu sắc của sàn, tường, trần, trang thiết bị tạo thành các dòng chảy gây hiệu quả mạnh mẽ về thị giác
Về chiếu sáng, sử dụng các nguyên lý chiếu sáng cơ bản, chiếu sáng tổng thể để nhìn thấy vẻ đẹp tổng hợp của hình khối và màu sắc của không gian từng phòng. Dùng chiếu sáng điểm làm nổi bật các đồ trang trí trong nhà

4. Sân vườn
Sử dụng hình khối đơn giản từ tường rào, cổng cho tới bàn ghế nghỉ ngơi trong vườn
Điểm nhấn của vườn là hồ nước. Hồ nước có hai vùng, vùng ngoài có dạng hình thoi, nước màu xanh rêu đậm, trên mặt nước có các phiến đá tròn với hình tượng như những bọt nước tạo thành đường di quanh hồ. Vòng trong của hồ có hình dạng không xác định, giống hình ảnh nước khi đổ xuống đất lan ra xung quanh một cách ngẫu nhiên; nước trong vòng hồ này có màu xanh dương.
Ơ giữa hồ là một đài phun nước lớn kết hợp với 5 đài phun nước nhỏ xung quanh với các kiểu phun nước đan xen khác nhau tạo ra một không gian mát mẻ và sinh động. Đặc biệt vào ban đêm, ánh sáng đủ sắc màu cùng với sự nhảy múa của các tia nước phun tạo nên một sự giao thoa, đồng điệu như khoác lên cho khu vườn một làn áo mới, đa sắc thái và quyến rũ
Hàng rào lấy màu cam làm chủ đạo, đây là màu của ánh nắng mặt trời, tạo ra sự ấm cúng và dễ gây sự chú ý. Trong vườn màu xanh của cây cỏ, xanh dương của hồ nước, màu của hoa, …như hoà quyện vào nhau tạo thành một bức tranh Pop Art đầy sức sống. Buổi tối, cũng không gian đó nhưng với sự chiếu sáng thì khu vườn trở nên hoàn toàn mới lạ.

5. Phòng khách
Phòng khách có không gian mở ra lối vào chính của Biệt thự liên thông với bếp và phòng ăn, trong phòng khách còn bố trí một quầy bar nhỏ . Phòng khách có cửa sổ và cửa đi mở ra vườn
Từ ý tưởng giọt nước đọng trên tường, tôi thiết kế các kệ tủ cách điệu từ hình giọt nước với nhiều kích thước khác nhau đặt trên tường và cửa sổ nhìn ra vườn. Trong kệ đặt các vật dụng được chiếu sáng tập trung vào ban đêm
Tường phòng khách được cấu tạo bằng các tấm vật liệu composit biến thành mảng tường nghiêng liên kết với trần và nền nhà.
Màu sắc trong phòng là màu xanh lá cây,màu của tự nhiên, của sự sống và sự thân thiện
Bộ ghế ngồi trong phòng được lấy từ hình ảnh các giọt nước vỡ ra, bắn lên không trung. Những hạt nước nhỏ đan kết với nhau trong suốt, long lanh, sang trọng. Bộ ghế ngồi chính là các giọt nước trên tường rơi xuống còn đọng lại.

6. Bar
Được bố trí làm khoảng chuyển tiếp từ phòng khách vào bếp, bar mang dáng dấp hiện đại với mảng tường được sơn xanh lá kết hợp màu cam (màu sử dụng cho không gian bếp).
Các kệ đựng rượu mang hình ảnh các giọt nước lăn tăn ngưng tụ trên thân chai, còn kệ ly được lấy cảm hứng từ giọt nước đọng trên các cành cây mong manh, kết hợp với ánh sáng chiếu xuyên xuống tạo ra hình ảnh lấp lánh và rất hấp dẫn

7. Nhà bếp

Nền nhà bếp được giật cấp lên 200 mm so với phòng khách

Là không gian rất quan trọng trong ngôi nhà, thể hiện hình ảnh của người nữ chủ nhân của gia đình. Từ hình ảnh giọt nước tôi thiết kế các tủ bếp từ tường kéo ra và bo cong với trần tạo thành một khối liền mạch, uyển chuyển, đầy nữ tính nhưng vẫn đảm bảo công năng và sử dụng dễ dàng
Khối bàn chuyển tiếp thức ăn sang phòng ăn cũng được thiết kế với tinh thần như thế
Màu sắc chính sử dụng trong phòng bếp là màu cam, kích thích sự sáng tạo, tạo niềm vui cho người nội trợ.

8. Phòng ăn
Phòng ăn được bố trí liên thông với bếp, phòng khách và nằm cạnh cầu thang. Nền phòng ăn được giật cấp 200 mm so với xung quanh
Hình ảnh giọt nước rơi xuống hồ tạo ra những gợn sóng lăn tăn đã thúc đẩy tôi thiết kế không gian này. Trần được làm như những giọt nước chuẩn bị rơi xuống tạo thành đèn, và khi rơi xuống sàn tạo thành gợn sóng, rồi lại văng lên tạo thành bàn ăn, cứ thế, cứ thế tạo thành những hình ảnh chuyển động liên tục, không ngừng nghỉ.
Hướng phòng ăn được đặt nhìn ra một khoảng vườn nhỏ cạnh phòng ăn tạo ra không khí rất tự nhiên và thoải mái khi gia đình quây quần.
Tường ngăn cầu thang và nhà vệ sinh được uốn cong tạo thành hai ống đèn lớn vừa chiếu sáng cho cả phòng vừa trở thành vách ngăn dấu cửa nhà vệ sinh, lối vào phụ và cầu thang.
Bên hông cầu thang sử dụng các vệt màu như những dòng chảy đồng thời trở thành những kệ trang trí rất vui mắt.

9. Phòng làm việc
Với quan niệm đây là một không gian kích thích sự sáng tạo, tôi chọn các màu sắc hoàn toàn khác với các không gian trước. Sử dụng kính mica với đa sắc thái màu làm kệ sách. Những giọt nước đọng trên các sườn dọc của kệ là những đèn trang trí vào ban đêm, và từ đây những dòng chảy màu sắc tiếp tục chảy xuống sàn tạo thành các dòng chảy ngẫu nhiên và hấp dẫn.
Mặt bàn làm việc được làm bằng kính trong đặt trên hệ “chân bàn” là các vòng xoắn tròn liên tục được bóc ra từ tường, bên trong các cuộn tròn là các ngăn kệ nhỏ để vật dụng
Giữa phòng bố trí hai chiếc ghế treo lớn hình cầu , là nơi nghỉ ngơi mỗi khi làm việc mệt nhọc

10. Phòng ngủ người lớn
Mặt sàn được nâng cấp lên, dưới mặt kính trong được sử dụng làm sàn nhà là một lớp nước trên nền đỏ tạo thành một cái “hồ. Mặt tường được cắt thành những dòng nước chảy xuống hồ tạo thành một không gian liên tục
Giường được thiết kế từ hình ảnh nước văng lên khi một vật thể rơi xuống mặt hồ và các hạt nước văng lên đó trở hành những đốm đèn chiếu sáng xung quanh trang trí vào ban đêm
Tủ quần áo được dấu sau các dòng chảy trên tường, từ tường cũng “xé” ra bàn trang điểm
Màu đỏ được sử dụng cho phòng ngủ tạo không khí yêu đương giữa vợ chồng, tạo ra sự phấn khích làm việc, nạp thêm năng lượng cho con người khi bước vào một ngày mới.

Nhà vệ sinh trong phòng ngủ được đưa vào hình ảnh thác nước, tạo ra cảm giác mát mẻ, tinh khiết cho căn phòng. Tường bao nhà vệ sinh được bo tròn hành khối trụ chiếm một phần không gian của nhà vệ sinh, sau bề mặt khối trụ hướng ra phòng ngủ là lớp nước chảy tuần hoàn, liên tục; không gian phía trong khối trụ đặt bồn cầu. Trong phần không gian còn lại của nhà vệ sinh, ta đặt chậu rửa và bồn tắm. Xung quanh bồn tắm trang trí gạch mosaic một cách ngẫu hứng. Chậu rửa được cách điệu từ cái ly, bên trên là những hạt nước tạo thành gương soi và kệ trang trí

11. Phòng ngủ trẻ em
Hầu hết các trẻ em đều yêu thích biển, thích tắm biển, ăn đồ biển cho nên phòng trẻ được lấy ý tưởng từ biển cả bao là, đại dương xanh thẳm. Phòng trẻ được thiết kế dành cho bé trai, với tính cách sôi nổi, thích thể thao, vận động.
Từ của phòng, có một đường dẫn đi thẳng vào chỗ ngủ của bé, chỗ ngủ được thiết kế như một chiếc tàu lặn trong đại dương, dưới đường dẫn được chiếu sáng bằng ánh sáng hồng và xanh dương. Đi xuyên qua chỗ ngủ là tới khu vườn nhỏ xinh của bé với ô của sổ tròn nhìn ra ban công để bé có thể ngồi chơi và đọc sách.
Đối diện với chỗ ngủ là bàn học của bé, sàn góc học tập được dật lên hai bậc, bàn học được cách điệu từ hình ảnh cá heo và gắn lên cột. Cột gắn bàn là tủ đa chức năng, phía dưới bàn học là các ngăn kéo để đo, một phần trên bàn học được dùng làm kệ sách và phần còn lại trên cao đặt đèn trang trí xinh xắn hình trái cây
Bên cạnh góc học tập có một không gian nhỏ dành cho bé chơi bóng rổ. Tủ quần áo được trang trí theo hình thức typography với tên của các cầu thủ bóng đá bé yêu thích.
Khối vệ sinh của bé là một khối cầu cách điệu từ giọt nước đang lơ lửng, trong đó nhà vệ sinh mang hình dáng quả bóng

PHẦN 4: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết luận
- Trường phái Pop Art thể hiện phong cách hiện đại và đầy cá tính. Tôi chọn Pop Art bởi nó phù hợp với tính cách và sở thích của tôi, một nhà thiết kế trẻ, năng động trong tương lai.
- Đồ án là một ước mơ nhỏ của tôi đem lại cho mọi người một không gian sống mới, hiện đại, năng động, ấn tượng. Với nhiều hoài bảo và ấp ủ, sẽ còn rất nhiều ý tưởng trong tôi về đề tài này nếu còn thời gian thực hiện.
- Với đồ án này tôi đưa ra một số các vận dụng hình khối – màu sắc – đường – ánh sáng – kiến trúc theo phong cách Pop Art vào không gian sống, nhưng với một điều kiện không gian và đối tượng cụ thể thì sự vận dụng có thể chỉ là một hoặc một số trong các yếu tố trên cho phù hợp với tâm, sinh lý và phong cách sống
- Sự vận dụng hình khối – màu sắc – đường nét – ánh sáng – kiến trúc theo phong cách Pop Art vào không gian sống phải có sự chắt lọc, để vừa thoả mãn yêu cầu sử dụng của con người, tính thẩm mỹ mà vẫn giữ được tinh thần của Pop Art
- Thiết kế của tôi áp dụng trong đồ án này không phi thực tế mà hoàn toàn khả thi, có thể thực hiện trong một thời gian rất gần thậm chí ngay trong điều kiện xây dựng hiện nay; tuy nhiên thi công nó phức tạp hơn bình thường và đòi hỏi sự kinh phí khá cao
- Thông qua đồ án này, mỗi người sẽ tự tìm cho mình một cách vận dụng riêng về Pop Art cho không gian nội thất của mình. Với tôi, Pop Art gồm màu sắc, hình khối, ánh sáng và những gì mà tôi đã thể hiện trong đồ án này, nhưng sẽ có người nhận thức khác, hiểu khác về Pop Art và đó chính là cái đích mà tôi muốn đạt đến. Tôi tin chắc như thế, sau khi xem bài này, khi mọi người bắt đầu cảm nhận và đánh giá, điều đó có nghĩa tôi đã thành công.
Những kiến nghị
- Sự vận dụng Pop Art trong thiết kế nội thất đoì hỏi sự đồng bộ về quy hoạch, cảnh quan, kiến trúc xung quanh công trình, do đó để đạt hiệu quả cao nhất thì phải có những cụm dân cư được thiết kế đồng loạt theo phong cách này. Điều đó phải được đề cập đến trong định hướng đầu tư của các dự án.
- Việc sử dụng Pop Art trong cũng phù hợp với các loại công trình khác, do đó hướng gợi ý của tôi cho các đồ án sau, dựa trên những nghiên cứu có trong đồ án này, là tiếp tục tìm ra các vận dụng Pop Art cho các loại hình công trình khác, đâc biệt là với các công trình công cộng. Những mô hình, phương án áp dụng này sẽ giúp chúng ta có thể có những không gian hoàn toàn Pop Art trong các khu độ thị tương lai, mang lại một diện mạo mới, đa dạng và đầy màu sắc cho các độ thị, làm đẹp cho đất nước.