27/11/10

Chế tạo thành công thiết bị biến nước thành điện

Sun Catalix, một công ty chuyên sản xuất các thiết bị dự trữ năng lượng và nhiên liệu tái sinh của Mỹ, đã chế tạo thành công một thiết bị có thể tách hydro khỏi nước từ bất kỳ nguồn nào: nước ngọt, nước biển thậm chí cả nước tiểu.


Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Khi phân tử nước được tách ra thành hydro và ôxi, nguyên tử hydro đồng thời nạp năng lượng cho pin nhiên liệu.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị trên tương tự cơ chế quang hợp của thực vật và vi khuẩn trong thiên nhiên - sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời để sản xuất ra đường, sau đó tế bào hô hấp lại chuyển đường thành adenosine triphosphate (ATP), loại “nhiên liệu” mà tất cả các sinh vật sống đều sử dụng.

Điểm tiện dụng nữa là thiết bị này có thể chuyển năng lượng điện, gió, ánh sáng mặt trời thành năng lượng dự trữ với giá thành thấp. Giá thành một thiết bị thắp sáng trên khoảng 20 USD và dự kiến sản phẩm này sẽ được đưa ra thị trường trong 18 tháng tới.

Giáo sư Daniel Nocera của Đại học Công nghệ Massachusetts (Mỹ), người sáng lập Sun Catalix, khẳng định với thiết bị này, người ta có thể thắp sáng ban đêm chỉ với hai chai nước.

Thiết bị này cũng khắc phục được nhược điểm của các thiết bị thu năng lượng mặt trời thông dụng chỉ có thể tích năng lượng vào ban ngày cũng như thiết bị tách nước bằng phương pháp điện phân có giá thành lên tới 1.200 USD/Kw điện.

Tập đoàn công nghiệp Tata của Ấn Độ đã đầu tư hàng triệu USD vào Sun Catalix để nghiên cứu chế tạo thiết bị dự trữ năng lượng thắp sáng cho các gia đình thu nhập thấp tại các nước đang phát triển.

Theo Vietnam+

Những chiếc xe thể thao đến từ “tỉnh lẻ”

(Dân trí) - Có thể gọi như vậy nếu ví Mỹ, Đức, Ý, Nhật... như những thành phố lớn trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, không vì thế mà những chiếc xe này kém “oách”.

Danh sách dưới đây do chuyên trang ô tô Jalopnik của Mỹ tổng hợp dựa trên ý kiến đóng góp của độc giả.

1. Marussia B2

Marussia B2 là siêu xe đến từ nước Nga, dùng chung khung sườn với mẫu xe chạy điện B1. Marussia B2 mang trong mình động cơ Cosworth V6 công suất 420 mã lực, đủ mạnh để chiếc xe nặng 1,1 tấn tăng tốc từ 0-100km/h chỉ mất 3,2 giây.

Việc sản xuất mẫu xe này dự kiến được bắt đầu vào năm 2014, với số lượng 10.000 chiếc, giá bán khoảng 131.000 USD.

2. FPV F6

FPV F6 được phát triển dựa trên mẫu Ford Falcon XR6 chỉ có ở thị trường Úc. Dưới nắp ca-pô là động cơ I6 4.0L tăng áp công suất 420 mã lực. Chiếc xe có khả năng tăng tốc từ 0-100km/h trong chưa đầy 5 giây.

FPV F6 xuất sắc tới mức được lực lượng cảnh sát QueenslandNew South Wales ở Úc chọn làm phương tiện truy bắt tội phạm.

3. HSV Clubsport R8

Có thể xem mẫu xe này như Pontiac G8 GXP tại Mỹ. Động cơ V8 LS3 dung tích 6.2L công suất 415 mã lực của Corvette được lắp cho HSV Clubsport R8, kết hợp với hộp số 6 cấp Tremec và hệ dẫn động cầu sau.

Tại Úc, một số đơn vị cảnh sát dùng xe HSV Clubsports để truy đuổi tội phạm.

4. Perana Z-One

Z-One sử dụng động cơ LS3 của Corvette. Perana, nhà sản xuất ô tô Nam Phi, khẳng định rằng động cơ V8 6.2L công suất 440 mã lực có thể đưa siêu xe nặng ngót 1,2 tấn này tăng tốc từ 0 lên 100km/h chỉ trong khoảng 4,9 giây. Việc sản xuất dự kiến bắt đầu trong năm nay, với số lượng chỉ 999 chiếc. Giờ đã là cuối tháng 11, việc của chúng ta là chờ đợi.

5. Elfin MS8 Streamliner

Xuất thân từ Úc, mẫu xe mui trần này nặng 1,1 tấn, bắt đầu được đưa vào sản xuất từ năm 2006. Xe lắp động cơ V8 5.7L công suất 329 mã lực (phiên bản kỷ niệm 50 năm thành lập hãng sẽ được trang bị động cơ V8 tăng áp công suất 469 mã lực.

Elfin MS8 Streamliner có khả năng tăng tốc 0-100km/h trong 4,5 giây và đạt tốc độ cực đại 275km/h. Chỉ có 100 chiếc xuất xưởng, với giá bản 99.990 USD.

6. HTT Pléthore

Được mệnh danh là “Quả bom từ Quebec” (Canada), HTT Pléthore nặng 1.134kg, có khung và thân xe làm bằng vật liệu sợi carbon. Nhà sản xuất HTT khẳng định rằng động cơ V8 tăng áp 6.2L có công suất cực đại 750 mã lực (tuỳ chọn động cơ 1.100 mã lực). Mẫu xe dự kiến ra mắt trong năm nay, và HTT đã mở sổ đặt hàng, với giá bán khoảng 395.000 CAD (tương đương 50.000 USD).

7. Tecnoidea Mastretta MXT

Mẫu xe thể thao này có xuất xứ Mexico, sử dụng động cơ I4 2.0L tăng áp lắp giữa, cho công suất 240 mã lực. Mức công suất này nghe có vẻ không ấn tượng, nhưng hãy lưu ý đến tỷ lệ với trọng lượng xe chỉ khoảng 905 kg và có giá bán từ 55.000 - 60.000 USD, ngang giá Lotus.

8. Laraki Fulgura

Đây là siêu xe đầu tiên và có thể là duy nhất của Marốc. Được sản xuất ởCasablanca, Fulgura cũng là mẫu xe thể thao đầu tiên của hãng Laraki, được phát triển dựa trên Lamborghini Diablo - một hình mẫu không tồi.

Dưới nắp ca-pô là động cơ V12 6.0L của Mercedes, cho công suất cực đại 920 mã lực. Toàn bộ thân xe làm bằng vật liệu sợi carbon. Chiếc xe nặng 1,13 tấn này có khả năng tăng tốc 0-100km/h trong 3,3 giây và đạt tốc độ cực đại hơn 400km/h.

9. Hulme F1

Xuất xứ từ Niu Dilân, siêu xe Hulme F1 được đặt theo tên tay đua ngườiNew Zealand vô địch giải đua xe Công thức 1 (F1) năm 1967 - Denny Hulme.

Siêu xe nặng chưa đến 1 tấn (998kg) này sở hữu động cơ V8 LS7 dung tích 7.0L lấy của xe Corvette C6 Z06, cho công suất cực đại khoảng 600 mã lực, tương đương ty lệ công suất/trọng lượng xe là 545 mã lực/tấn - cao hơn Bugatti Veyron.

10. Hyundai Genesis Coupe

Hyundai Genesis là niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc

Chỉ dăm năm trước, hầu như không ai nghĩ rằng Hyundai có thể sản xuất một mẫu coupe thể thao cạnh tranh với những tên tuổi lớn như Nissan 370Z của Nhật Bản. Nhưng Hyundai đã làm được. Genesis dùng động cơ V6 3.8L công suất 306 mã lực, hoặc I4 2.0L tăng áp công suất 210 mã lực. Bản Genesis động cơ V6, dẫn động cầu sau có khả năng tăng tốc 0-100km/h trong 5,6 giây.

Nhật Minh

Theo Jalopnik

Khi phái đẹp thiết kế xe hơi

(Dân trí) - Nhiều người chắc chắn sẽ ngỡ ngàng khi biết hai nhà thiết kế chính của mẫu BMW Z4 bản mới lại là phụ nữ: Juliane Blasi phụ trách ngoại thất và Nadya Arnaout thiết kế nội thất. Lý do đơn giản là BMW muốn mẫu xe này chinh phục được cả những khách hàng nữ.
Tại Triển lãm ô tô Detroit hồi tháng 1 vừa qua, ông Adrian van Hooydonk, giám đốc thiết kế của BMW đã có một bất ngờ thú vị dành cho các phóng viên khi giới thiệu mẫu BMW Z4 thế hệ mới với thiết kế mui xếp cứng khỏe khoắn.

Cánh phóng viên đã nói với ông rằng thế hệ mới của BMW Z4 có hình thức thức thể thao, năng động, hiếu chiến và nam tính hơn.

Adrian van Hooydonk, khi đó chưa lên thay Chris Bangle ở vị trí giám đốc thiết kế BMW, đã lịch sự lắng nghe, sau đó xác nhận rằng họ hoàn toàn đúng, và ngỏ ý muốn giới thiệu những người thiết kế chiếc xe. Trước sự ngỡ ngàng của phóng viên, ông dẫn tới hai phụ nữ: Juliane Blasi, 32 tuổi, nhà thiết kế ngoại thất, và Nadya Arnaout, 37 tuổi, người phụ trách thiết kế nội thất.

Juliane Blasi (phải) và Nadya Arnaout (trái) tự hào đứng bên tác phẩm của mình

Tất nhiên, còn một số người khác tham gia quá trình thiết kế, nhưng họ chịu trách nhiệm chính.

“Tôi đoán là vẫn có nhiều người nghĩ rằng phụ nữ chỉ có thể thiết kế những hình khối tròn và mềm mại, những thứ nhẹ nhàng. Nhưng tôi biết điều đó không phải sự thật,” van Hooydonk nói.

Z4 2009 sẽ là một trong những mẫu xe gây chú ý nhất của BMW tại Triển lãm ô tô New York khai mạc vào cuối tuần sau (9/4).

Để chọn nhà thiết kế cho dự án thiết kế lại mẫu Z4, BMW đã mở một cuộc thi. Các nhà thiết kế thuộc hai studio của BMW ở trụ sở Munich (Đức) và DesignworksUSA (Mỹ) đã nộp các bản phác thảo thiết kế; sau đó là mô hình thực tế bằng đất sét. Để đảm bảo tính khách quan trong thẩm định, tên tác giả mỗi tác phẩm được giấu kín.

Và những người ngạc nhiên nhất khi kết quả được công bố chính là hai phụ nữ Đức, bởi tác phẩm dự thi của Blasi cũng chính là sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên cô thực hiện kể từ khi đầu quân cho studio thiết kế của BMW ở Đức vào năm 2003. Với Arnaout, ngạc nhiên vì cô chỉ vừa mới chuyển sang lĩnh vực thiết kế nội thất ô tô ở DesignworksUSA được ít lâu. Trước đây, cô là nhà thiết kế sản phẩm của một studio ở California (Mỹ), chuyên thực hiện việc thiết kế theo hợp đồng cho nhiều công ty. Cô từng thiết kế những sản phẩm như máy hút bụi và trang thiết bị thể thao.

Nadya Arnaout chỉ vừa chuyển sang lĩnh vực thiết kế ô tô đã gặt hái thành công

Arnaout cho rằng, là phụ nữ không có nghĩa họ bị khóa chặt vào phong cách nữ tính. “Nếu nhìn chiếc xe này, bạn sẽ không thể đoán người thiết kế là nam hay nữ,” Blasi nói.

Arnaout cho biết, trong quá trình thiết kế, cô tập trung suy nghĩ vào người lái, chứ không phải là vấn đề giới tính. Còn Blasi cho biết cô không cố làm sao để ngoại thất xe trông nam tính. “Tôi đã cố gắng thiết kế sao cho chiếc xe có hình thức dữ dội và khỏe khoắn. Nhiều người thấy như vậy có thể nghĩ ngay rằng hẳn nó phải có gì liên quan tới nam giới,” cô nói.

Nhưng cả hai nhất trí rằng đó chỉ là do người ta bị găm vào tư duy vào lối suy luận đó.

Juliane Blasi với bản phác thảo thiết kế ngoại thất cho mẫu BMW Z4 mới

Ông Adrian van Hooydonk lưu ý rằng trong thiết kế, tính sáng tạo mới là điều cốt yếu. “Người ta có thể cho rằng lẽ ra chúng tôi không nên để hai phụ nữ thiết kế BMW Z4 thế hệ mới vì nhiều khách hàng của mẫu xe này là nam giới, và rằng nó nên có hình thức thể thao. Chúng tôi đã có thể tác động đến cuộc thi phác thảo nếu muốn người chiến thắng là nam giới. Nhưng chúng tôi không làm vậy, vì chúng tôi hoàn toàn tin rằng điều quan trọng nhất đối với công ty là có được mẫu thiết kế tốt nhất có thể.”

Mẫu Z4 mui trần mới sẽ thay thế cho cả bản mui trần và coupe thế hệ trước. Do đó, thách thức lớn đối với Blasi là thiết kế phần mui xếp cứng, sao cho chiếc xe phải giống như coupe khi nâng mui, trong khi vẫn giữ nguyên kiểu mũi xe dài, đuôi ngắn của dòng mui trần khi xe hạ mui.

“Thông thường rất khó giấu phần mui xếp cứng vào cốp sau mà vẫn giữ được kiểu dáng mui trần cho xe, vì mui cứng chiếm nhiều diện tích hơn loại mui vải,” Blasi giải thích. “Quan trọng là tạo cho chiếc xe thể thao độ nở hậu.”

Với nhà thiết kế nội thất Arnaout, một thách thức là phải tìm cách thực hiện được ý tưởng thiết kế bảng điều khiển trung tâm theo kiểu không đối xứng mà nghiêng góc về phía người lái trong khi chiếc xe được sản xuất cho cả thị trường xe tay lái nghịch và tay lái thuận.

Giải pháp của cô là làm cho bảng điều khiển đối xứng, nhưng sau đó đưa thêm một số chi tiết phụ trợ cho bên người lái, trái hoặc phải tùy thị trường; từ đó tạo cảm giác bất đối xứng.

Nhật Minh

Theo New York Times