31/7/10

iPad "tả xung hữu đột"

Posted on Thứ Bảy, tháng 7 31, 2010 by Pro-ID group

Bài viết chỉ ra ưu và khuyết điểm của iPad, đồng thời so sánh sản phẩm này với các thiết bị khác như máy tính, sách điện tử (e-reader), máy chơi game…

Đâu là vị trí của iPad nếu phải so sánh chiếc máy tính bảng vừa ra lò này với iPod và iPhone? Một câu hỏi khó trả lời. Tuy nhiên, dễ nhận thấy là iPad sử dụng chung hệ điều hành (HĐH) với iPhone, chỉ khác là bạn không thể gọi điện thoại từ đó. iPad đã được chào đón như là một thiết bị công nghệ có thể "cứu vớt" ngành xuất bản dù phần mềm e-reader - không được cài sẵn - không hiển thị tạp chí và báo in. iPad cũng cung cấp nhiều trò chơi nhưng không phải là kẻ huỷ diệt Xbox 360 hay một máy chơi game cầm tay như Nintendo Dsi.

Điều nghịch lý nhất nằm ở chỗ, iPad "thách thức" thế giới Windows của máy tính sổ tay (netbook) và thậm chí máy PC đầy đủ tính năng hơn dù thiết bị này không chạy được tất cả ứng dụng web hoặc không hỗ trợ in ấn hoặc không cung cấp hệ thống tập tin để người dùng có thể lấy tài liệu ở các ứng dụng. Tuy có các khiếm khuyết như trên nhưng vì iPad có kích thước nhỏ, giao diện cảm ứng, thời gian dùng pin ấn tượng và là thiết bị tốt nhất từng được thiết kế cho mọi loại nội dung giải trí, từ web cho đến sách và phim ảnh, nên việc so sánh giữa iPad và máy tính để bàn không trở nên khập khiễng. iPad có tính năng hạn chế hơn máy tính nhưng bù lại giao diện mới mẻ và thú vị nên đây có thể xem là thiết bị bổ sung thay vì là thiết bị thay thế máy tính.

Nhìn chung, iPad không cần “bắt chước” bất kỳ thiết bị nào khác vì có vị thế cạnh tranh cao hơn. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Đâu là vị trí thật sự của iPad” (ID:A1002_68) và “Con đường của iPad” (ID:A1004_20).

iPad so với máy tính

Chắc chắn, iPad không thể là chiếc máy tính duy nhất của bạn. Đầu tiên, khi bạn khởi động iPad, thiết bị sẽ yêu cầu dùng cáp USB kết nối với PC hoặc máy Mac để chạy iTunes. Thậm chí nếu bạn không muốn mua các sản phẩm liên quan đến âm nhạc, phim ảnh, ứng dụng trên máy tính và chuyển chúng sang iPad, nhưng đôi lúc bạn sẽ cần đồng bộ chúng, đặc biệt trong trường hợp cần sao lưu iPad.


Hình 1: Bàn phím ảo QWERTY trên iPad có thể là một sự lựa chọn tốt, nhưng nhiều người vẫn còn nhớ đến bàn phím truyền thống quen thuộc.

Câu hỏi đặt ra là có thể dùng iPad thay cho máy tính? Hoặc có thể sử dụng cả hai. Nếu đang hài lòng với máy tính hiện tại, bạn có thể nhận thấy ngay những hạn chế của iPad trong trường hợp bạn thích tạo ra nội dung hơn là thưởng thức chúng.

Bàn phím trên màn hình rõ ràng là sáng tạo tốt nhất từng được thực hiện nhưng dường như bàn phím QWERTY ảo này vẫn chưa đủ độ “thực” và mang lại sự tiện lợi cũng như còn giới hạn về khả năng đánh máy ở tốc độ nhanh.

Mọi thứ hoạt động ở chế độ toàn màn hình, và trừ vài trường hợp ngoại lệ thì chỉ 1 ứng dụng có thể hoạt động tại 1 thời điểm - một tin gây sốc nếu như bạn quen với việc chuyển qua lại giữa trình duyệt, tiện ích xử lý văn bản, bảng tính và email. iPad không thể chạy các ứng dụng làm việc “chuẩn” của máy tính để bàn, và bạn gần như không thể tìm thấy ứng dụng thay thế tương xứng trong App Store. Thậm chí, iPad hiện vẫn chưa có một bộ phần mềm văn phòng hoàn chỉnh (xem "Bộ văn phòng iWork của Apple", trang 116).

iPad cũng không trang bị camera, không hỗ trợ Flash trên trình duyệt, không cung cấp giải pháp in trực tiếp và không cung cấp khe cắm thẻ nhớ để chép ảnh. Hiện đã xụất hiện vài tiện ích chỉnh sửa ảnh tốt dành cho iPad nhưng cách đơn giản nhất để lấy hình khỏi máy ảnh và chuyển sang iPad cần một adapter có giá khoảng 600.000 đồng (~29 USD). Ngoài ra, dung lượng lưu trữ lớn nhất của iPad chỉ là 64GB trong khi vài mẫu MTXT giá rẻ có thể trang bị đĩa cứng đến 500GB.

Nhưng ưu điểm lớn nhất của iPad không giống với máy tính là iPad thể hiện rõ nét cá tính cũng như sự sành điệu của người dùng. Trước hết, với độ dày 1,27 cm và trọng lượng 680g, iPad thể hiện tính di động nhiều hơn so với netbook. Dù màn hình màu 9,7” có thể được xem là nhỏ nhưng nhờ công nghệ IPS (In-Plane Switching) nên hình ảnh trông đẹp từ mọi góc nhìn. Đặc biệt, thời gian dùng pin của iPad lên đến 10 giờ cho mỗi lần sạc.

Dù không hỗ trợ đa nhiệm (multitask) và cửa sổ làm việc nhưng iPad không cảm thấy tuyệt vọng. Và thực tế, nhờ giao diện cảm ứng đơn giản, tốc độ vận hành nhanh và tính linh hoạt thực sự, iPad thường được cảm giác như là một giải pháp nhanh hơn và ít phiền toái hơn máy PC và MAC. Apple cũng buộc hãng thứ 3 tuân thủ những chính sách bảo mật để tránh những thông báo dạng pop-up gây phiền toái cho người dùng.

Không như PC hoặc điện thoại, iPad có thể không thật sự cần thiết, nhiều người có thể đón nhận iPad nếu cảm thấy ý tưởng trên iPad hấp dẫn, hoặc có thể họ quyết định không mua vì cảm thấy không cần thiết.

Apple cũng cho hay, vào khoảng tháng 10 năm nay sẽ có nhiều hỗ trợ mới cho iPad như: thư viện các ứng dụng sẽ phong phú hơn, hệ điều hành iPhone 4.0, khả năng hỗ trợ đa nhiệm và những tiện ích khác. Dự kiến, iPad thế hệ thứ hai sẽ bổ sung thêm những tính năng mà thế hệ đầu còn thiếu.

Nhận xét: Một điều không thể phủ nhận là PC vẫn làm tốt vai trò PC hơn là iPad. Tuy nhiên, iPad là một cái gì đó khá mới mẻ, hữu ích, và quan trọng - bạn không nên bỏ lỡ cơ hội khám phá thiết bị này.

iPad so với Kindle

Hình 2: Không giống như Kindle, ứng dụng iBook của iPad có thể hiển thị màu sắc minh họa sống động.
Khi Amazon.com ra mắt Kindle lần đầu tiên vào năm 2007, dường như e-reader dần trở thành biểu tượng cho loại hình đọc sách tương lai. Tuy nhiên, khi đứng cạnh iPad, Kindle trông như một món đồ cổ.

Thật vậy, Kindle có giá chỉ bằng phân nửa so với iPad phiên bản cơ bản, bao gồm băng thông rộng không dây cho phép bạn tải sách mà không cần trả phí dịch vụ mỗi tháng. Và ít nhất đến thời điểm này, vài tựa sách trên Kindle có giá rẻ hơn sách bán trên iBooks của iPad.

Kindle có màn hình 6”, trọng lượng khoảng 290g nên nhỏ và nhẹ hơn iPad. Kindle sử dụng công nghệ E-Ink cho phép hoạt động liên tục trong 2 tuần cho mỗi lần sạc pin và có thể đọc dưới ánh sáng mặt trời; ngược lại, LCD trên iPad không thể đọc dưới điều kiện ánh sáng tương tự.

Tuy nhiên, màn hình E-Ink cũng gây nhiều trở ngại cho Kindle vì công nghệ này dùng màu đơn sắc, nghĩa là chữ màu tối hiển thị trên nền xám nhẹ. Điều này gây cảm giác khó đọc do thiếu ánh sáng từ màu nền, hình ảnh có khuynh hướng trông như nét bút vẽ hoặc dạng chữ khắc và tốc độ cập nhật nội dung trên màn hình cũng khá chậm.

Còn iPad thì sao? Được đánh giá là có màu sắc hiển thị đẹp hơn so với bất kỳ loại thiết bị di động nào, chữ màu đen trên nền trắng, và bạn có thể lật trang trên e-book phụ thuộc vào tốc độ “lướt” của ngón tay.

Apple đã giới thiệu 60.000 đầu sách trong thư viện iBooks Store, nhưng con số này chỉ bằng 1/6 lượng sách mà Amazon cung cấp cho Kindle. Tuy nhiên, ngay thời điểm Apple bán iPad, Amazon cũng đã ra mắt một ứng dụng cho phép người dùng iPad có thể truy cập vào tất cả 480.000 tập sách số trong Kindle store. iPad cũng có điểm thuận lợi là cho phép người dùng truy cập hàng ngàn quyển sách miễn phí ở định dạng ePub. Đây là định dạng bạn không thể đọc trên Kindle. Cả Kindle và iPad là những thiết bị tiện ích, hầu hết người yêu thích công nghệ sẽ mua hoặc dùng cả hai.

Nếu cân nhắc đến từng chi tiết thì iPad cho bạn hiệu quả đầu từ tốt hơn.

Nhận xét: Bạn là người thích dùng e-reader và có thể muốn dùng các tính năng ngoài đọc sách thì iPad là một lựa chọn đáng giá, còn nếu bạn có ngân sách eo hẹp hoặc là tín đồ của E-Ink thì nên chọn Kindle.

iPad so với báo in

Kindle cho phép bạn đăng ký khoảng 58 tạp chí và 120 báo in, cùng sự hỗ trợ không dây miễn phí. Tuy nhiên, cách hiển thị của Kindle khá tẻ nhạt và không khác biệt nhiều so với dịch vụ thương mại trực tuyến CompuServe đã xuất hiện từ năm 1990.

Những nhà quản lý xuất bản, đã đưa nội dung miễn phí lên web cách đây 15 năm trước, cảm thấy hối tiếc vì quyết định này từ khi nhận ra tiềm năng mới mà iPad mang lại.

Hiện tại, iBooks lẫn Kindle chưa có ứng dụng hỗ trợ xem báo in trên iPad, do đó, các nhà xuất bản phải tự xoay xở để tạp chí của họ có thể xuất hiện trên iPad.

Một ví dụ, tạp chí Time tại Mỹ đã có một ứng dụng riêng giúp người đọc có thể đọc tạp chí trên iPad, cụ thể là các thông tin sẽ hiển thị trên toàn bộ màn hình với các hình ảnh, bạn có thể kéo trượt để xem phần nội dung và đặt những danh mục trực tuyến được chọn theo từng phần. Các tạp chí khác - bao gồm PC World (Mỹ) - cũng đã xuất hiện trên iPad thông qua Zinio, ứng dụng có khả năng giảm kích thước bản in để phù hợp với màn hình iPad.

Hình 3: Phiên bản số của báo USA Today hỗ trợ iPad, có định dạng tốt với các tính năng mở rộng như các biểu đồ và các cuộc thăm dò.
Thực tế, cách chuyển đổi nội dung báo in sang iPad cần cải thiện thêm để giúp người dùng có thể lướt nhanh hay đọc kỹ nội dung.

Ngoài ra, vài tính năng có trên máy tính mà tài liệu in không thề đáp ứng được - như tính năng tìm kiếm văn bản - thường cũng không tồn tại trên các ấn bản điện tử của iPad.

Ba tờ báo lớn của Mỹ là New York Times, USA Today và Wall Street Journal đều hỗ trợ đọc báo trên iPad, hiện cả ba đều làm tốt nhiệm vụ chuyển nội dung từ báo giấy sang dạng số hóa trên iPad.

Nhận xét: iPad là phương tiện tiềm năng để ngành báo chí lẫn truyền thông có thể khai thác, cũng tương tự như việc iPod đã khẳng định vị trí trong âm nhạc.

Nhưng trước mắt, nhà xuất bản cần phát triển các ứng dụng để có thể tận dụng khả năng hiển thị và tương tác của iPad.

Bộ văn phòng iWork của Apple

Bộ ứng dụng văn phòng iWork trên iPad gồm: xử lý văn bản Page, bảng tính Numbers và trình chiếu Keynote. Mỗi ứng dụng đều có giá 10USD (~ 190.000 đồng).


Hình 4: Các ứng dụng của bộ văn phòng iWork có chức năng xử lý văn bản, bảng tính, trình bày; tuy nhiên việc xuất hoặc nhập dữ liệu thực hiện chưa tốt.

Cả 3 ứng dụng này đều có chung kiểu giao diện. Khi lần đầu khởi chạy các ứng dụng, bạn sẽ gặp một hướng dẫn "Get Started" gồm: một tài liệu trong Pages, một trang bảng tính được chia thẻ (tab) trong Numbers và một trình chiếu trong Keynote. Bạn có thể đặt vị trí của ảnh trong một tài liệu nhờ vào cách trượt nhẹ ngón tay. Các chức năng của 3 ứng dụng này không thể là đối thủ của Microsoft Office hoặc iWork trên phiên bản của máy tính Mac, tuy nhiên, đây không là vấn đề lớn vì thực sự người dùng có khuynh hướng chỉ cần dùng những tác vụ đơn giản. Cả Pages, Numbers và Keynote đều có khuyết điểm: nếu bắt đầu viết nội dung trong Mail, bạn không có cách nào để đính kèm một tài liệu iWork. Bạn cũng không thể dùng cáp USB kết nối iPad với máy tính để sao chép hoặc chuyển dữ liệu qua lại. Thay vào đó, bạn phải xuất tài liệu từ trong iWork - như là dạng đính kèm nhờ vào iTunes hoặc có thể xem tài liệu qua iWork.com.

Cả 3 ứng dụng này đều vấp phải khó khăn khi mở tài liệu, có thể định dạng biến mất nếu bạn di chuyển tập tin đó vào máy tính để bàn. Hoặc bạn không thể dùng Pages để xuất tập tin dạng Word, cũng như Numbers không thể lưu theo định dạng Excel và Keynote không thể vận hành trên PowerPoint. (nếu bạn dùng iWork ở máy Mac, tình hình cải thiện hơn chút ít).

Những lỗi trên iWork đã ảnh hưởng đến iPad. Về phía người dùng, họ không cần chờ đợi Apple: các phiên bản cho iPad của Quick Office dành cho di động và bộ ứng dụng văn phòng Documents to Go của DataViz đều làm việc. Cả hai gói này sẽ là lựa chọn tốt hơn với phiên bản hiện tại của iWork dù nó có thể không tinh tế như iWork.

iPad so với BlackBerry

Trên các thiết bị di động, chức năng xem phim, nghe nhạc và truy cập mạng xã hội đều hoạt động tương đối tốt, nhưng ứng dụng di động được xem là cổ điển và vô giá, đó là email. Và điện thoại BlackBerry của RIM có ưu thế về ứng dụng email di động. Liệu ứng dụng Mail của iPad có đáng tin cậy để thay thế chiếc BlackBerry? Chắc chắn không nếu bạn là kiểu người “nghiện” kiểm tra email.


Hình 5: Ứng dụng Mail trên iPad có thể xử lý tốt e-mail có nội dung dài, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế.

iPad hỗ trợ nhận/gửi email tương đối tốt, có thể nhanh hơn là khởi động một máy tính xách tay hoặc thời gian chờ vào Outlook, tuy không thể như điện thoại BlackBerry, với khả năng truy cập nhanh chóng e-mail ở bất cứ đâu miễn là điện thoại của bạn có tín hiệu. Nhưng nếu iPad có thêm tính năng 3G thì việc truy cập email có thể sẽ nhanh như BlackBerry. Đối với iPad có hỗ trợ Wi-Fi, cần phải có các trạm truy cập không dây hoặc bộ định tuyến (router) di động, chẳng hạn như MiFi.

Lợi thế của iPad so với BlackBerry là có thể vừa đọc, viết nội dung qua bàn phím trên cùng màn hình, đọc những đoạn văn bản dài hơn, hoặc có thể xem định dạng tài liệu Office và PDF. Người dùng Gmail có thể chọn giữa ứng dụng Mail của Apple và dịch vụ duyệt Gmail qua web của Google - cho phép truy cập tức thời vào hộp mail có dung lượng hàng gigabyte (GB).

Ứng dụng Mail của iPad vẫn còn một số hạn chế. Ví dụ, trong lúc thiết lập nhiều tài khoản email, bạn không thể ghép chúng lại vào trong một hộp thư, mà bạn chỉ có một tài khoản Microsoft Exchange. Bạn chỉ có thể mở tập tin đính kèm bằng trình xem tập tin và ứng dụng iWork của Apple.

Apple cho biết sẽ khắc phục lỗi trên khi nâng cấp phần mềm iPad vào khoảng tháng 10 này. Đồng thời, Apple hy vọng sẽ cải tiến tính năng tìm kiếm nội dung email, thay vì chỉ kiểm tra các dòng như To (người nhận), From (người gửi) và Subject (Nội dung).

Nhận xét: Cho dù thích ứng dụng Mail, chưa chắc bạn sẽ bỏ BlackBerry hay điện thoại iPhone, Droid hoặc bất cứ thiết bị di động khác có thể truy cập e-mail.

iPad so với iPod

Hình 6: Dù không thể để iPad vào túi, nhưng bạn có thể mang mọi thứ từ iPod vào trong iPad.
Người ta hoài nghi không biết iPad có gì mới so với iPod Touch không? Khi dùng iPad để nghe nhạc và xem phim, một điểm dễ nhận ra là màn hình hiển thị của iPad lớn hơn iPod Touch. Và nhiều người vẫn thích dùng máy nghe nhạc nhỏ gọn iPod Shuffle có thể là do trọng lượng của iPad nặng hơn so với iPod.

Nếu dùng iPad, bạn không thể đặt nó vào trong túi quần hoặc đeo vào cánh tay khi muốn đi bộ hoặc đến phòng tập thể dục. Ngoại trừ Shuffle, tất cả máy nghe nhạc iPod đều có thể nghe nhạc và xem phim, nhưng nếu so sánh với iPad thì iPod dường như không hỗ trợ tốt xem phim.

iPad có thể cho phép một, hai hoặc nhiều người xem phim cùng nhau, và thời gian dùng pin đủ dài của iPad sẽ giúp bạn giải trí trong suốt chặng bay từ New York đến Hy Lạp. Nếu ở nhà, iPad có thể biến thành một TV di động, dù chỉ một loa được tích hợp, nhưng âm thanh lớn và khá rõ.

iPad có thể chứa mọi thứ từ iPod. Nếu không thích mua ứng dụng có trả phí từ thư viện iTunes, bạn có thể xem và nghe từ ABC, Netflix, NPR, và những trang khác.

Nhận xét: iPad không thay thế cho iPod, cả hai thiết bị này có sự khác biệt. Để định nghĩa về iPad thì nó là một thiết bị giải trí vượt trội nhất có xuất xứ từ iPod.

8 ứng dụng được ưa chuộng


Hình 8: Ứng dụng Epicurious giúp bạn xem những quyển sách nấu ăn trên iPad.
USA Today: Ứng dụng miễn phí của USA Today hiện được xem là ứng dụng tốt nhất dành cho loại hình đọc báo trên iPad. Cách dàn trang đẹp mắt cùng với khả năng tương tác thêm với các trang trình chiếu, đồ họa, và các cuộc thăm dò.

Netflix: là ứng dụng miễn phí để xem phim trực tuyến, cung cấp đầy đủ hàng ngàn bộ phim, có cả những bộ phim ăn khách đang trình chiếu ở rạp. Bạn phải trả 9USD/tháng (~ 170.000 đồng) để có tài khoản của Netflix.

Sketchbook Pro: Ứng dụng này sẽ cung cấp cho bạn cây cọ “ảo”, phí tải ứng dụng là 8USD (~ 151.000 đồng).

Hình 9: Ứng dụng Nextflix miễn phí, nhưng nếu bạn muốn xem phim thì phải trả phí hằng tháng.
IMDb: đây là ứng dụng miễn phí, bạn sẽ tìm thấy những thông tin, những bộ phim điện ảnh. Magic Piano: là bàn phím “ảo” piano truyền thống chơi những bản nhạc kinh điển, chỉ 1USD (~ 19.000 đồng) để tải ứng dụng này.

Marvel: ứng dụng miễn phí, chủ yếu cung cấp truyện tranh, bạn có thể tải về máy.

Epicurious: Bạn có thể tìm thấy hàng trăm cách thức chế biến món ăn. Ứng dụng này đặt danh sách mua sắm cạnh với công thức nấu ăn đã được chọn và cung cấp những chỉ dẫn dễ đọc. Đây là ứng dụng miễn phí.

Instapaper: Ứng dụng này sẽ tuyệt vời nếu dùng với iPad có hỗ trợ Wi-Fi. Nếu thấy một tựa đề bài báo hấp dẫn, nhấn vào ’Read Later’ trong ứng dụng của Instapaper ở ngay trình duyệt web của bạn. Bạn cần chi 5USD (~ 94.000 đồng) để nhận nội dung.

Các đối thủ sắp tới của iPad

Các hãng sản xuất máy tính như Dell, HP, Lenovo… đã có kế hoạch thâm nhập vào thị trường máy tính bảng (tablet PC) để cạnh tranh với iPad của Apple. Đây là thị trường hiện khá “sốt” với dự đoán có khoảng 50 triệu chiếc tablet được tiêu thụ từ đây đến năm 2015, theo dự đoán của công ty nghiên cứu ABI.

Các đối thủ của Apple sẽ lắp đầy những khiếm khuyết của iPad, cụ thể là họ sẽ giới thiệu những tablet có kích cỡ và kiểu dáng lớn hơn, trang bị cả webcam để đàm thoại qua video, các khe cắm USB, các cổng HDMI, hỗ trợ đa nhiệm, Flash, sử dụng Windows 7 với bộ xử lý Atom của Intel, hoặc chip Tegra 2 của nVidia, hoặc dùng hệ điều hành (HĐH) Linux, Android của Google…

Hãy điểm qua một số tablet sẽ ra mắt trong thời gian tới

Slate PC của HP: dùng HĐH Windows 7, bộ xử lý Atom Intel Z530 tốc độ 1,6GHz, bộ nhớ RAM 1GB, hỗ trợ Flash video, Wi-Fi chuẩn 802.11b/g. Slate PC có màn hình 8,9”, dung lượng lưu trữ 32GB hoặc 64GB, có cổng USB 2.0, khe thẻ SIM, Webcam chuẩn VGA ở mặt trước, camera độ phân giải 3 megapixel ở mặt sau, cổng HDMI thông qua giá đỡ đi kèm. Giá dao động từ 549USD (~ 10,4 triệu đồng) đến 599USD (~ 11,4 triệu đồng).

JooJoo của Fusion: có màn hình đa chạm 12,1” chạy HĐH Ubuntu Linux với giao diện tùy biến, hỗ trợ Flash video. Do HĐH dựa trên nền web, nên chỉ hoạt động tốt khi có kết nối Internet, nếu không có kết nối Internet, người dùng chỉ xem các trang được lưu trong bộ nhớ của trình duyệt. Cấu hình: bộ xử lý Atom của Intel tốc độ 1,6GHz, card đồ họa nVidia Ion, RAM 1GB, hỗ trợ Bluetooth và Wi-Fi chuẩn 802.11n. Giá: 499USD (~ 9,5 triệu đồng) nếu ổ cứng SSD có dung lượng 4GB.

Streak (còn gọi là Mini 5) của Dell: có màn hình đa chạm 5”, bộ xử lý Snapdragon 1GHz, camera 5 megapixel ở mặt sau, mặt trước là camera dành cho đàm thoại video, HĐH Android, 2 khe cắm thẻ nhớ, hỗ trợ GPS. Tablet này sẽ ra mắt vào giữa năm nay, còn dòng tablet có màn hình cỡ 7” và 10” dự kiến sẽ giới thiệu vào năm 2011.

Courier của Microsoft: dùng chip Tegra 2 của nVidia, có trọng lượng khoảng 454g, HĐH tương tự như máy nghe nhạc Zune HD của Microsoft và HĐH Windows Mobile 7 trên điện thoại, dự kiến sẽ xuất hiện vào giữa cuối năm nay.

IdeaPad U1 của Lenovo: chạy HĐH Windows 7, bộ xử lý Core 2 Duo SU4100 tốc độ 1,3GHz, dựa theo giao diện Linux, cổng HDMI, kết nối Wi-Fi, 3G, tuổi thọ pin 8 giờ. IdeaPad U1 sẽ ra mắt khoảng tháng 6 năm nay với giá 1.000USD (~ 19 triệu đồng).

Những netbook trở thành tablet

Nếu lướt trang web hoặc xem sách điện tử (e-book) qua đa chạm mà vẫn giữ bàn phím quen thuộc, thì netbook có hỗ trợ màn hình xoay sẽ là sự lựa chọn tốt. Vài tháng sắp tới, trên thị trường sẽ xuất hiện các dòng sản phẩm netbook có thể chuyển thành tablet như: IdeaPad S10-3T, S10 Blade của Viliv, Eee PCT101MT của Asus, Touch Note T1000P của Gigabyte. Mỗi sản phẩm nói trên có màn hình đa chạm 10,1”, chạy HĐH Windows 7, giá tròm trèm khoảng 500USD (~ 9,5 triệu đồng). Điều quan trọng là các dòng sản phẩm này có giá rẻ hơn Touch Smart tm2t của HP và ThinkPad X201T của Lenovo.

Archos 9 PC Tablet: Archos, hãng điện tử từ Canada, đã giới thiệu tablet mang tên Archos 9 PC Tablet. Archos 9 dùng bộ xử lý Intel Atom Z510 tốc độ 1,2GHz, RAM 1GB, ổ cứng 60GB, HĐH Windows 7, hỗ trợ Flash, Webcam ở mặt trước, màn hình 8,9” nhưng thiếu đa chạm. Giá: 549USD (~ 10,4 triệu đồng). Ngoài ra, Archos cũng ra mắt dòng tablet 7” và 5” dùng HĐH Android, và gần đây là Archos 8 Home tablet với màn hình khung hình số đa chạm 8” chạy HĐH Android.

ExoPC Slate: Một hãng sản xuất khác đến từ Canada đang phát triển chiếc tablet chạy HĐH Windows 7, giao diện đa chạm tùy biến, màn hình 8,9”. Cấu hình tương tự netbook, hỗ trợ Flash, bộ xử lý Intel Atom N450 tốc độ 1,66GHz, card đồ họa GMA500 của Intel, RAM 2GB, dung lượng lưu trữ dùng ổ SSD 32GB hoặc 64GB, 2 cổng USB 2.0, camera 1,3 megapixel ở mặt trước dành cho hội thảo truyền hình, Wi-Fi chuẩn 802.11n, cổng mini-HDMI. ExoPC Slate sẽ có mặt ở thị trường vào tháng 6 hoặc 7 này với giá khởi điểm 599USD (32GB).

ICD Ultra: Đây là tablet kết nối mạng không dây 4G LTE. Cấu hình gồm: màn hình 7”, đơn chạm, chip Tegra 2 của nVidia tốc độ 1GHz, RAM 256MB và ROM 512MB, bộ nhớ flash trong 4GB, hỗ trợ Wi-Fi chuẩn 802.11b/g, Bluetooth, cổng HDMI nhỏ, đài FM, tùy chọn 3G hoặc GPS. Giữa năm nay ICD Ultra sẽ xuất hiện với giá 250USD (~ 4,7 triệu đồng).

Notion Ink Adam: Tablet này được thiết kế ở Ấn Độ, màn hình đa chạm 10,1”, có thể chuyển đổi giữa chế độ LCD màu và chế độ đọc e-reader trong điều kiện ánh sáng mặt trời khi cần thiết. Adam cũng có camera 3,2 megapixel với góc xoay 180 độ, bộ xử lý Tegra 2, cổng HDMI, 3G và GPS, chạy HĐH Android. Khoảng tháng 6 hoặc tháng 7, Adam sẽ có mặt trên thị trường với giá từ 327USD (~ 6,2 triệu đồng) đến 800USD (~ 15,2 triệu đồng).

ID: A1006_113

No Response to "iPad "tả xung hữu đột""

Leave A Reply