10/4/09

Thủ công mỹ nghệ VN yếu về thiết kế kiểu dáng

Posted on Thứ Sáu, tháng 4 10, 2009 by Pro-ID group

Hàng thủ công mỹ nghệ là một thế mạnh của Việt Nam. Xuất khẩu mặt hàng này mang lại giá trị thực thu rất cao. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang có rất nhiều hạn chế mà điểm đầu tiên cần cải tiến để tạo sự đột phá chính là khâu thiết kế kiểu dáng sản phẩm.


Điểm yếu về thiết kế kiểu dáng

Thu cong my nghe VN yeu ve thiet ke kieu dang
Chậm thay đổi về thiết kế kiểu dáng làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng thủ công Việt Nam.

Trong một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho thấy: Thủ công mỹ nghệ Việt Nam yếu nhất ở hai khâu thông tin thị trường và kiểu dáng mẫu mã. Khảo sát đã chỉ ra rằng, khi mà thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển ngày càng bão hoà với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì sản phẩm có giá rẻ là chưa đủ để thoả mãn nhu cầu khách hàng, chưa tạo ra được sức cạnh tranh.

Minh hoạ điều này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: ba năm trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam rất được người nhật ưa chuộng do tính chất mới lạ và rẻ nhưng đến nay, sức hấp dẫn đã bị giảm nhiều mà nguyên nhân chính là trong suốt thời gian qua rất nhiều mẫu mã chúng ta đã không có sự thay đổi. Chính điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam và nếu không có những thay đổi kịp thời xuất khẩu thủ công mỹ nghệ sang thị trường này có thể bị ảnh hưởng.

Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ là một thế mạnh với kim ngạch năm 2005 dự kiến đạt khoảng 500 triệu USD, Nhưng đến nay, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường nhất là nghiên cứu thị trường dành riêng cho tạo mẫu và thiết kế. Hệ quả của việc này là rất nhiều hàng thủ công Việt Nam không có những công dụng rõ nét và chưa hướng tới những thị trường cụ thể.

Ông Robert Webster - Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng: việc tạo ra những mẫu mã riêng, phù hợp với nhu cầu thị trường là cách tốt nhất để khẳng định mình và khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ. Đây chính là năng lực cạnh tranh đích thực. Ông Robert Webster nhấn mạnh, giá cả tuy rất quan trọng nhưng một chiến lược giá thấp là không có tính bền vững vì trên thế giới luôn có những người chỉ cần thông qua biến động về tỷ giá ngoại hối đã có khả năng cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn.

Một điểm yếu khác của hàng thủ công Việt Nam là quy mô sản xuất nhỏ. IKEA là một hãng phân phối đồ nội thất hàng đầu thế giới đang có mặt ở Việt Nam hơn một năm nay để thu mua đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, nhưng vẫn chưa tìm được các doanh nghiệp sản xuất lớn để làm đầu mối cung cấp lâu dài. Đơn đặt hàng của các hãng phân phối quốc tế luôn yêu cầu một khối lượng lớn, trong một thời gian giao hàng nhất định trong khi đa số các sản xuất thủ công Việt Nam vẫn còn nhỏ chủ yếu sản xuất hộ gia đình trong các làng nghề...

Thay đổi quan niệm về thiết kế

Thu cong my nghe VN yeu ve thiet ke kieu dang
Thiết kế cần đề cao tính thương mại và khả năng ứng dụng của sản phẩm.

Mặc dù chưa có một nghiên cứu nào về hiện trạng thiết kế kiểu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhưng một số chuyên gia cho rằng: doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn cho thiết kế kiểu dáng. Bởi vì, nếu kéo dài tình trạng sao chép kiểu dáng sẽ gặp rắc rối về vấn đề pháp lý, còn chỉ làm theo mẫu mã của các nhà nhập khẩu nước ngoài thì giá trị mang lại rất nhỏ nhoi.

Vì vậy, bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng: để khẳng định vị trí của thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thương trường thì công tác thiết kế kiểu dáng, mẫu mã riêng của doanh nghiệp cần phải hết sức coi trọng, trong đó cần đề cao tính ứng dụng, khả năng tiếp cận thị trường và cả việc sản xuất với khối lượng lớn.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân, các doanh nghiệp Việt Nam thường đề cao tính nghệ thuật, sự độc đáo, ý nghĩa văn hoá của sản phẩm, các thiết kế sản phẩm mang tính "độc nhất" và "của riêng mình" riêng mình luôn được đề cao trong khi đó khả năng ứng dụng và tính thương mại chưa được chú ý nhiều.

Ông Robert Webster cho rằng, khi nói đến thiết kế của ngành thủ công mỹ nghệ, chúng ta không chỉ nói về tính hấp dẫn, độc đáo mà chúng ta cần nói về tính thương mại của thiết kế, có nghĩa là thiết kế sản phẩm được đánh giá bởi thị trường mà nó hướng tới. Điều này không có nghĩa thiết kế của sản phẩm có thể kém hấp dẫn, kém độc đáo và không quan trọng về mặt văn hoá. Tuy nhiên, một thiết kế hấp dẫn về sự độc đáo và tính văn hoá nếu không được thị trường chấp nhận thì không trở thành một thiết kế có tính thương mại.

Vì vậy, ông Robert Webster cho rằng, các nhà thiết kế Việt Nam hãy quan tâm nhiều hơn tới những thiết kế có tính thương mại, tìm hiểu kỹ về thị trường mà thiết kế sản phẩm đang hướng tới. Một sự kết hợp tốt giữa tài năng độc đáo của nhà thiết kế với những hiểu biết về thị trường sẽ giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá cao và được trả giá cao hơn và tạo ra sự bền vững trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Thế Hoàng, Giám đốc sáng tạo Công ty LP Design cho rằng: đối với thị trường các nước phát triển, hàng thủ công mỹ nghệ mang tính thời trang rõ nét. Vì vậy, những nhà sản xuất nên đầu tư nhiều hơn cho khâu nghiên cứu thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ kể cả nhũng doanh nghiệp có nhiều nghệ nhân giỏi cũng nên xây dựng một đội ngũ hoạ sỹ tạo mẫu chuyên nghiệp và thường xuyên đầu tư để đội ngũ này nâng cao chuyên môn và cập nhật kiến thức về thị trường để phục vụ cho việc sáng tạo mẫu mã có chất lượng cao hơn.

Nguyên Phong (việtnamnet)

1 Response to "Thủ công mỹ nghệ VN yếu về thiết kế kiểu dáng"

.
gravatar
Trần Văn Hải Says....

Bài viết rất thiết thực. Khi gửi hàng các bạn tham khảo thêm địa chỉ này nhé Công Ty Vận Chuyển Hàng Hóa Đi Mỹ tại TpHCM . Điện thoại: 090 3333 829 Ms. Yên để được tư vấn tốt nhất

Leave A Reply