21/4/09

5 loại headphones được đánh giá tốt nhất

Cho dù bạn định vừa đi dạo vừa nghe nhạc hay ở nhà thưởng thức âm thanh của bộ dàn cao cấp thì việc lựa chọn cho mình một chiếc tai nghe vẫn rất quan trọng. Nếu giá cả đối với bạn không phải là vấn đề nhưng bạn vẫn thấy băn khoăn về quyết định của mình thì hãy thử cân nhắc đến 5 loại headphone sau và đưa ra lựa chọn phù hợp. Đây là những sản phẩm được đánh giá cao và được ưa thích nhất về kiểu dáng cũng như chủng loại.

1. Koss PortaPro


Những chiếc headphone này có lẽ đã xuất hiện và tồn tại được gần 30 năm, và kiểu dáng thẩm mỹ từ những năm 80 của chúng cũng không được mới mẻ, hấp dẫn. Nhưng giá cả của loại tai nghe này lại phải chăng (40 – 50 USD) và chất lượng âm thanh được đánh giá ở mức tuyệt hảo nhờ vào hệ thống âm thanh 3D được thuyết kế chuyên biệt. PortaPro đem đến cho người dùng niềm say mê với những thiết bị âm thanh trong nhà hay di động. Có thể bạn sẽ thấy khó chịu vì đôi khi tóc bị kẹt trong phần gọng gập, nhưng bù lại là cảm giác rất thoải mái của phần đệm tai. Thậm chí, chất lượng của sản phẩm còn được hãng sản xuất Koss khẳng định bằng hệ thống bảo hành miễn phí suốt đời nếu bị hỏng hóc. Đó là lý do vì sao trong suốt hơn 20 năm, tai nghe PortaPro vẫn được sản xuất và ưa chuộng.

2. Tai nghe tách âm SE530 của Shure


Những người có sở thích vừa du lịch vừa thưởng thức âm nhạc chắc hẳn sẽ rất hài lòng với sản phẩm Shure SE530, nhưng họ cũng nên cân nhắc đến khoản tiền 500$ phải chi cho chiếc headphone tuyệt vời này. Tuy E530 có giá thành cao, và kích cỡ của tai nghe khá lớn nhưng bù lại nó cho người nghe cảm nhận độ trong của âm xuất sắc một cách hiếm có, âm trầm sâu, và chắc. Sản phẩm này còn có hệ thống lọc tạp âm rất tốt. Cảm giác khi đeo vào cũng thoải mái và một vài phụ kiện đi kèm khá hữu dụng như công cụ quản lý âm lượng đường vào, adapter dùng trên máy bay. Đây là một sản phẩm nên có của mỗi người thưởng thức âm nhạc thực thụ.

3. Bose QuietComfort3


So sánh với phiên bản QuietComfort 2, QuietComfort 3 có kiểu dáng nhỏ gọn và chắc chắn hơn. Phần đệm tai êm ái đem đến cảm giác vô cùng dễ chịu khi đeo, cùng với đó là hệ thống chống tiếng ồn rất hiệu quả giúp cho người dùng cảm nhận được đầy đủ âm sắc của những ca khúc mình đang nghe, hay mọi hiệu ứng âm thanh, tiếng động của những bộ phim đang theo dõi. Thêm vào đó, nhà sản xuất còn tăng không gian của túi đựng đi kèm giúp cho việc di chuyển và bảo quản được hoàn hảo. Tuy nhiên, hạn chế của QuietComfort 3 là giá thành khá cao và chỉ hoạt động được khi có pin sạc. Vì vậy, nếu như pin hết thì nhạc cũng tắt theo. Với sản phẩm này, Bose đã đạt được bước tiến lớn trong việc quảng bá công nghệ chống ồn của tai nghe mà vẫn đảm bảo chất lượng âm thanh vô cùng ấn tượng. Nếu bạn là người thường xuyên di chuyển và muốn có được sự dễ chịu tối đa khi thưởng thức âm nhạc thì QuietComfort3 chính là sự lựa chọn chuẩn mực.

4. Tai nghe không dây Logitech FreePulse


FreePulse được thiết kế có trọng lượng nhẹ, dẻo và độ đàn hồi, linh hoạt ở mức xuất sắc. Với phần bass được chú trọng, chất lượng âm thanh trở nên hài hoà, cộng thêm tính cơ động nhờ vào bộ truyền phát tín hiệu Bluetooth có thể đồng bộ hoá và sử dụng với bất cứ nguồn âm nào có lỗ cắm minijack. Nhưng các vấn đề có thể xảy ra khi kết nối bluetooth lại là một rắc rối lớn của FreePulse so với những dòng tai nghe có dây, thêm vào đó, khác với những thiết kế trước đây của Logitech,loại headphone này không có chức năng phát lại. Tuy nhiên, nếu sự thoải mái khi không có dây dợ giữa người dùng và chiếc MP3 có ý nghĩa lớn với bạn thì hãy cân nhắc đến FreePulse trong vô số những loại tai nghe Bluetooth,và nó giúp bạn có thể vừa tập thể dục, vừa làm việc nhà và nghe nhạc một cách dễ dàng.

5. V-Moda tai nghe tần số âm bass


Nếu bạn là người thích nghe âm bass và bạn đang sở hữu máy nghe nhạc Creative Zen Micro nhưng túi tiền của bạn lại hạn hẹp thì V-Moda là phụ kiện hoàn hảo để lựa chọn. Nhà sản xuất đưa ra cho người sử dụng nhiều lựa chọn về màu sắc và một cái giá khá cạnh tranh: 50$. So sánh với các loại tai nghe hạng trung khác, V-Moda có âm lượng lớn hơn và chất lượng âm thanh cũng cao hơn. Tuy nhiên, tiếng nhạc phát ra từ chiếc headphone này có lẽ là quá nhiều âm bass và khá nặng đối với những người thích giai điệu trong trẻo. Ngoài ra, sợi cáp mỏng cũng dễ bị rối và không được bền trong thời gian dài. Do đó, nếu thích nghe âm trầm, với nhiều màu sắc để chọn lựa và giá cả phải chăng, bạn nên cân nhắc đến V-Moda.
Minh Tuấn dịch (Theo Cnet.com)

Những ý tưởng thiết kế lạ mắt

Những sinh viên ngành công nghiệp thiết kế tại trường đại học khoa học ứng dụng, FH Joanneum Graz, Áo đã giới thiệu những dự án tốt nghiệp của họ trong cuộc triển lãm hàng năm do trường này tổ chức.

Chủ đề của triển lãm lần thứ 8 năm nay phương tiện giao thông bao gồm thuyền, xe “lưỡng cư”, “nhà di động”… 

Cùng chiêm ngưỡng một số ý tưởng độc đáo của những sinh viên này bởi biết đâu một ngày không xa chúng sẽ được hiện thực hóa.

1. Colim concept – Xe cho người theo “chủ nghĩa xê dịch”


Với thông điệp “sắc màu của cuộc sống trong sự chuyển động”, mẫu concept này là một ý tưởng thông minh giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn. Được thiết kế dành cho 2 người (tối đa là 4), Colim concept có thể tách làm hai phần tách biệt: khoang lái và không gian sinh hoạt.

 

2. Elia Coupe – Giải pháp cho giao thông đô thị


Elia Coupe là dòng compact 2 chỗ ngồi sang trọng. Theo tác giả, mẫu xe này hướng tới đối tượng khách hàng trẻ tuổi, những người làm việc chăm chỉ và muốn sử dụng đồng tiền họ kiếm được vào các sản phẩm đem lại tiện nghi và thoải mái cho cuộc sống. Với quá trình toàn cầu hóa và đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, những mẫu compact nhỏ gọn được trang bị động cơ sinh học thân thiện môi trường là rất cần thiết.

 

 

3. Rad Lader bus concept – xe buýt lý tưởng


Rad Lader được thiết kế đặc biệt dành cho việc chứa những thiết bị lưu động cá nhân nhỏ. Nội thất linh hoạt của Rad Lader tạo không gian cho xe đạp, xe đẩy tay, xe lăn. Chiếc concept này tạo cho mọi người độc lập hơn trong việc di chuyển. Tổng thể của Rad Lader bao gồm bốn khu vực chỗ ngồi khác nhau và một ban công.

 

 

  • Hoàng Tuấn

Việt Báo (Theo_Autonet.com.vn)

17/4/09

Loa bóng nước cho mùa hè

Aqua Sounders là loa tròn kết nối không dây, thích hợp cho những người thích nghe nhạc trong khi thư giãn ở bể bơi.

Bộ loa Aqua Sounders. Ảnh: Device.
 

Sản phẩm của hãng Grace Digital Audio có thể nổi trên mặt nước, chịu đựng được các điều kiện nhiệt độ, ẩm ướt khác nhau. Dù là bể nước lạnh hay bồn nước ấm, người sử dụng vẫn dùng được loa mà không lo bị hỏng.

"Quả bóng" Aqua Sounders phát tiếng liên tục trong 6 giờ với 6 pin AA, còn phần đế phát tín hiệu điều khiển dùng 4 pin AA. Do phần đế phát tín hiệu xa đến 5 mét, người sử dụng có thể đặt nó trong nhà hoặc đặt ở bể bơi lớn. Mỗi trung tâm điều khiển này xử lý được 10 "quả bóng" cùng lúc.

Bộ gồm loa và đế được bán với giá 150 USD. Mỗi loa bổ sung có giá 100 USD.

Việt Toàn (theo Dvice)

15/4/09

Phương Pháp Làm Việc Theo Nhóm (Phần 2: Phương Pháp Giải Quyết Vấn Đề)

Quá trình xử lý công việc hao tốn sức lực và tài chính, nếu có phương pháp và cách tổ chức điều hành phù hợp hiệu quả của nhóm và quá trình xử lý công việc đạt cao. Ngược lại, nếu không tổ chức tốt, quản trị tốt và không có phương pháp thì công việc khó hoàn thành, tiêu tốn chi phí và thời gian. Phần này giới thiệu một số phương pháp nâng cao hiệu quả xử lý vấn đề khi làm việc theo nhóm.

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

 

   A. Vận dụng tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề.
           Sáng tạo là khả năng tưởng tượng dự đoán, phát hiện và thực hiện những ý tưởng mới.
Quá trình sáng tạo gồm 5 yếu tố gắn liền nhau:

  • Sự chuẩn bị: xác định rõ vấn đề cần giải quyết. Trong giai đoạn này công việc của nhóm là quan sát, tìm kiếm, thu thập các dữ kiện và ý tưởng
  • Nuôi dưỡng ý tưởng: nuôi dưỡng những ý tưởng, giải pháp mới lạ ngược lại với những qui phạm đã có. Trong giai đoạn này diễn ra sự xung đổt trong tiềm thức giữa những gì đang được chấp nhận, những trật tự đã có sẵn với những điều mới lạ, những khả năng chưa xảy ra.
  • Sự bừng sáng: đây là thời điểm khám phá cần khẩn trương nhận ra và phát triển nó.
  • Đánh giá ý tưởng: những giải pháp hay, những ý tưởng mới cần được thẩm tra, xem xét về ý nghĩa thực tiễn. /khả năng thực hiện và kết quả sẽ đạt được….
  • Sự tập trung: tập trung giải quyết vấn đề thông qua việc tìm giải pháp tối ưu và thực hiện nó



              B. Mô hình sáng tạo của Osborn:
              Quá trình giải quyết vấn đề gồm 3 giai đoạn là tìm hiểu thực tế, phát triển ý tưởng và đưa ra giải pháp. Mô hình này giúp mọi người vượt qua những sáng tạo và đổi mới.
              1. Giai đoạn tìm hiểu thực tế
- Nhận diện thu thập và phân tích những dữ liẹu cần thiết.
- Xác định vấn đề chung, trọng tâm cần giải quyết, sau đó xác định những vấn đề phụ. Cần tránh nhầm lẫn vấn đề với hiện tượng.
              2. Giai đoạn tìm ý tưởng: tạo ra những ý tưởng mới cùng những định hướng sau đó phát triển những ý tưởng này bằng cách bổ sung hay kết hợp chúng với các ý tưởng khác nếu thấy cần thiết.
- Không vội phê bình, chỉ trích ý tưởng mới khi nó vừa được đưa ra. Một người có thể đưa ra nhiều ý tưởng. Không vội đánh giá phê bình các ý tưởng, nếu có thì nên ghi các đánh giá phê bình đó ra giấy.
- Nhóm càng nghĩ ra nhiều ý tưởng càng có cơ may tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề.
              3. Giai đoạn tìm giải pháp:
- Nhận diện đánh giá các ý tưởng, các giải pháp, chương trình sơ bộ và cách thức thực hiện chương trình đã lựa chọn.
- Tìm giải pháp dựa vào việc phản biện các ý tưởng, phân tích các ưu điểm nhược điểm, và tìm thêm giải pháp để hạn chế nhược điểm, bổ sung thêm các giải pháp cho ý tưởng đó.
- Nếu có nhiều ý tưởng, giải pháp có khả năng như nhau thì nhóm chọn ra giải pháp khả thi nhất hoặc chọn lựa thống nhất bằng hình thức biểu quyết.

              C. Phương pháp Brainstorming
        Não công là một nhóm ý tưởng không hạn chế cho một nhóm đưa ra, không có ý kiến phê bình chỉ trích hay đánh giá để tìm ra những ý tưởng mới. Đối với các công ty hay tổ chức lớn, quá trình giải quyết vấn đề được tiến hành theo hai nhóm riêng rẽ: phát triển ý tưởng và đánh giá ý tưởng. Phát triển ý tưởng do những người có trí tưởng tượng phong phú, có khả năng utư duy trừu tượng, có khả năng khái quát hóa cao đảm nhận. Đánh giá ý tưởng do những người có óc phân tích, đánh giá sâu sắc và có khả năng phê bình sắc sảo đảm nhận.

            Khi tiến hành cần tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau:
               1. Loại trừ sự chỉ trích, phê bình: Những người tham gia phải từ bỏ các ý kiến phê bình trong suốt quá trình tìm và phát triển ý tưởng của nhóm.
              2. Duy trì bầu không khí hoàn toàn tự do: Các ý tưởng được đưa ra trong bầu không khí càng thoải mái tự do, cởi mở càng tốt. Đồng thời người đề xuất ý tưởng không bị hạn chế về nội dung và không phải chứng minh tính chất đúng đắn cũng như tính hiện thực của ý tưởng. Có nhiều ý tưởng ban đầu trông có vẻ ngớ ngẩn, khác thường nhưng khi thực hiện lại đem lại kết quả vượt trên sự mong đợi.
              3. Số lượng ý tưởng càng nhiều càng tốt: khi càng có nhiều ý tưởng thì càng có nhiều khả năng tìm được những giải pháp hữu ích
             4. Kết hợp và phát huy ý tưởng của người khác: Trong quá trình phát triển ý tưởng, thành viên có thể đưa ra các ý tưởng riêng dựa trên sự phát triển ý tưởng của người khác. Hoặc có thể kết hợp nhiều ý tưởng thành một ý tưởng mới

           Có một số trạng thái tâm lí thường xuất hiện trong các hoạt động, cần tránh phạm phải những trạng thái này để không cản trở sự sáng tạo của cá nhân và của toàn nhóm, dưới đây là một số lời khuyên cần ghi nhớ và thực hiện:
              - Đừng cố tìm một câu trả lời đúng: Tùy theo tầm nhìnvà sự hiểu biết của mỗi người mà mỗi vấn đề có thể có nhiều câu tả lời đúng, nên đừng cố tìm một câu trả lời đúng nhất.
              - Đừng luôn cố gắng tuân theo logic: Sự hợp lí không phải lúc nào cũng chiếm ưu thế, mà thường có nhiều sự trái ngược giữa tình cảm của con người và nguyên tắc của tổ chức.
              - Đừng tuân theo các nguyên tắc một cách cứng nhắc: Nếu muốn đổi mới và cải tiến thì cần biết nghi ngờ và xem xét những giới hạn không rõ ràng đối với tư duy.
              - Đừng quá lệ thuộc vào hiện thực: Có nhiều ý tưởng không thực tế có thể trở thành nhữnh bàn đạp để sáng tạo.
              - Đừng cố tránh sự không rõ ràng: Sự sáng tạo có thể bị cản trở bởi sự quá khách quan hay cá biệt hoá.
              - Đừng quá lo sợ và cố tránh thất bại: Sự lo sợ thất bại có thể làm tê liệt quyết tâm thực hiện những ý tưởng hay.
              - Thêm một chút hồi tưởng: những trò chơi khôi hài thời thơ ấu sẽ có thể là những gợi ý hay cho hiện tại, hoặc một hình tượng đã bắt gặp ở đâu đó cũng có thể là một điểm trong ý tưởng.
              - Tránh tình trạng quá biệt lập: Sự kết hợp chéo giữa các lĩnh vực chuyên môn khác nhau thường rất hữu hiệu trong việc xác định tìm giải pháp.
              - Đừng quá quan trọng hóa vấn đề: Sự hài hước, không khí thoải mái làm giảm căng thẳng và thúc đẩy khả năng sáng tạo.
              - Luôn luôn sáng tạo bắt đầu bằng ý tưởng mới: bằng cách nuôi dưỡng những ý tưởng nhỏ bé bình thường và biến những ý tưởng ấy thành hiện thực, chúng ta sẽ có thể phát triển và thực hiện những ý tưởng lớn hơn nhiều trong tương lai.
 

Tài liệu tham khảo:

Bài này được trích và sửa chữa lại từ tài liệu "Quản lý quá trình sản xuất" của trường đh sư phạm kỹ thuật tp.hồ chí minh và tài liệu "Quản trị học" tác giả Nguyễn Thị Liên Diệp - Nhà xuất bản Thống Kê, cùng một số tài liệu sưu tầm trên internet.

 Nguyễn Dũng

Phương Pháp Làm Việc Theo Nhóm (Phần 1:Hướng Dẫn Thành Lập Và Hoạt Động Nhóm)

          Nhóm bao gồm một nhóm nhỏ những người cùng làm một công việc, gặp gỡ để cùng nhận dạng, phân tích và giải quyết các vấn đề được đặt ra. Nhóm không phải là một cơ chế, hay một tổ chức mang tính hình thức, một thứ mốt nhất thời, một chuơng trình, mà là một cách làm việc, một sự thay đổi thói quen bảo thủ trong suy nghĩ của con người. Nhóm làm thay đổi mối quan hệ giữa người với người trong công việc.

HƯỚNG DẪN 
THÀNH LẬP và HOẠT ĐỘNG NHÓM

NHẬN DIỆN VẤN ĐỀ VỀ NHÓM

Đây là ý kiến của những người đã hoạt động nhóm đã tan rã:
           1. Khi làm việc theo nhóm tôi thấy thường gặp khó khăn :
   - Thường ai cũng bảo vệ ý kiến của mình mà không thực sự xem xét thấu đáo ý kiến của người khác.
   - Không hợp thành một thể thống nhất phục vụ cho một mục đích duy nhất
   - Thường ít khi gặp được một người trưởng nhóm có đầu óc tổ chức, phân công việc sao cho hiệu quả.
   - Một số người chỉ thích làm việc độc lập mà không muốn chia suy nghĩ hay ý tưởng.
   - ăn chia không sòng phẳng hoặc không đánh giá đúng con người.
          2. Khi làm việc theo nhóm thì cái khó khăn đầu tiên là bất đồng ý kiến, mỗi thành viên trong nhóm đều có ý kiến của riêng mình và thường thì chỉ thấy cái thiếu sót trong ý kiến của người khác mà không tìm ra cái đúng của nó và ngựơc lại cũng chỉ thấy cái đúng của ý kiến của mình mà không thấy cái thiếu sót. 
Khó khăn tiếp theo là giữ sự đoàn kết trong nhóm, điều đó đôi khi không biểu hiện ra ngoài nhưng dễ làm nhóm tan rã, mâu thuẫn giữa các thanh viên xuất phát từ bất kỳ mặt nào thường thì chỉ là những chuyện nhỏ nhặt nhưng nếu không xử lý khéo sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
         3. Nhiều khó khăn 
   - Có người làm còn có người ỷ lại không chịu làm
   - Mỗi người một ý và chẳng ai chịu nghe ai
   - Thường chỉ có một người là chính còn lại là râu ria và...
  - Tốt nhất là làm một mình cho khoẻ.
  - Mình đã từng làm chuyên đề dịch với 2 người nữa nhưng rút một cục lại là mình phải hoàn thiện toàn bộ. Thế đấy!

         Có thể tìm thấy vô số những ý kiến tương tự như trên về hoạt động nhóm. Mọi người đều biết rằng hoạt động nhóm là rất tốt, nhưng khi thực hiện thì hoàn toàn ngược lại. Có thể lí giải một cách chủ quan là khi hình thành nhóm, nhóm đó không áp dụng các qui tắc cần thiết cho việc hình thành và hoạt động của nhóm; các kĩ năng hoạt động nhóm không được quan tâm, tìm hiểu đúng mức, vì vậy quá trình hoạt động nhóm phạm phải nhiều sai lầm dẫn đến tan rã nhóm. 

   I. CƠ BẢN VỀ NHÓM
          Nhóm bao gồm một nhóm nhỏ những người cùng làm một công việc, gặp gỡ để cùng nhận dạng, phân tích và giải quyết các vấn đề được đặt ra.
          Nhóm không phải là một cơ chế, hay một tổ chức mang tính hình thức, một thứ mốt nhất thời, một chuơng trình, mà là một cách làm việc, một sự thay đổi thói quen bảo thủ trong suy nghĩ của con người. Nhóm làm thay đổi mối quan hệ giữa người với người trong công việc.
 
   II. CHỨC NĂNG CỦA NHÓM:

               Tạo môi trường làm việc thân thiện:

  • Cải thiện hành vi giao tiếp:

             Nhóm giúp cải thiện sự giao tiếp thông qua các hoạt động trao đổi diễn ra thường xuyên, mọi người trở nên thân thiện, từ đó giúp bầu không khí học tập, lao động trở nên sôi động hơn. Mọi người dần giảm bớt chủ nghĩa cá nhân để hướng đến tập thể, để cùng giải quyết các vấn đề lớn mà một người hoặc một nhóm người làm việc độc lập, riêng rẽ không thể hoàn thành được. Bầu không khí làm việc của tổ chức thay đổi theo hướng tích cực, mọi người có thái độ thiện chí với nhau. Chính vì vậy mà vấn đề hóc búa thường được giải quyết dễ dàng hơn.

  • Xây dựng tinh thần đồng đội và hỗ trợ nhau cùng phát triển:

            Sau quãng thời gian lao động và học tập, đặc biệt là những công việc lặp đi lặp lại, hoặc các vấn đề cần giải quyết quá phức tạp, áp lực công việc quá cao làm cho người thực hiện cảm thấy dễ chán nản, đơn điệu, buông xuôi. Khi đó, tham gia nhóm làm họ trở nên hưng phấn, họ chờ đón các hoạt động của nhóm và khi tham gia nhóm, họ bị thu hút vào công việc hơn bao giờ hết, vì trong nhóm có sự hộ trợ của đồng đội, có điều kiện thể hiện cá nhân, được chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn những thành viên khác và mọi việc trước đây được xem là nhàm chán thì giờ đây, dưới cái nhìn từ một góc độ khác từ nhóm, vấn đề trở nên mới và hấp dẫn hơn,

  •  Mở rộng hợp tác và liên hệ giữa tất cả các cấp:

           Khi tham gia nhóm, các thành viên có xu hướng mở rộng hợp tác với nhau để tạo sự thống nhất của tổ chức, giúp xóa bỏ ngăn cách trong các mối quan hệ. Nhóm là một trong những cách kết nối tất cả mọi người không phân biệt chức vụ, cấp bậc.
          Khi mọi người cùng bắt tay cùng giải quyết các vấn đề đặt ra, lúc đó bức tường ngăn cách bị phá toang, mọi người hòa nhập lại, gần gũi nhau hơn, hỗ trợ nhau cùng tồn tại và phát triển.

              Huy động nguồn nhân lực:

  • Thu hút mọi người vào công việc:
            Nội dung sinh hoạt luôn đa dạng, mối quan hệ được củng cố giữa các thành viên, vấn đề mà nhóm thường giải quyết là các vấn đề liên quan trực tiếp đến công việc của mỗi thành viên, vì vậy họ bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của công việc được tạo ra từ quá trình sinh hoạt nhóm.
  • Nâng cao tinh thần làm việc, phát triển ý thức về chất lượng và sự tiến bộ
  • Tạo cơ hội thuận lợi cho các thành viên phát huy tài năng của mình
             Nhóm tạo ra cơ hội tuyệt vời để giải quyết các vấn đề công việc hàng ngày. Mọi người có dịp nhóm họp, cùng suy nghĩ và đưa ra những ý kiến của mình cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn. Quá trình sử dụng kiến thức, sức lao động, máy móc, nguyên liệu… luôn xảy ra những bất trắc, khi đó vận dụng chất xám hơn nữa là chất xám tập thể là phương thức tối ưu nhất để khắc phục những bất trắc. Nhóm tạo ra cơ hội vô hạn cho thành viên giải quyết khó khăn, đồng thời khiến mỗi thành viên nhận thấy mình là một phần hữu cơ của tổ chức.

           Nâng cao trình độ của thành viên và hoạt động của toàn tổ chức thông qua:

  • Thảo luận nhóm, kích thích sáng tạo của mọi người
    Nhóm tạo ra môi trường kích thích sự sáng tạo của mọi người. Người ta sẽ không mạnh dạn nêu ra các ý tưởng hay ý kiến của riêng mình nếu bị cự tuyệt, hay bị chế nhạo. Thường các giải pháp khả thi nhất lại xuất phát từ những ý tưởng có vẻ lộn xộn, không tuân theo các qui phạm thường thấy.
  • Giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả lao động và học tập.
    Hiệu quả học tập hay năng suất lao động bị ảnh hưởng nhiều bởi tâm lí của người thực hiện, khi tham gia vào nhóm tâm lí của mỗi thành viên được cải thiện nhiều, do đó hiệu quả học tập, năng suất lao động cũng được cải thiện đáng kể. Mặt khác, khi tham gia hoạt động nhóm, các vấn đề khó khăn của mỗi thành viên được đưa ra và giải quyết bởi tập thể, do đó áp lực công việc giảm bớt, đồng thời họ nhận thấy nhiều khía cạnh chưa tích cực trong lao động và học tập của chính mình để tự khắc phục và thay đổi cho phù hợp. Nhóm giúp giảm lãng phí, lãng phí về thời gian, vật liệu, nguyên liệu….


           Để dễ hình dung về nhóm và hoạt động của nhóm, bạn hãy liên tưởng đến một đội bóng đá. Đội bóng đá có các thành viên là các cầu thủ, khi chơi trên sân luôn có một người đội trưởng chỉ đạo tức thời trên sân. Các cầu thủ thi đấu trên sân cùng hướng đến mục tiêu chung là đưa bóng vào khung thành đối phương. Mỗi thành viên chịu một phần trách nhiệm liên quan đến thành công của đội bóng. Mỗi thành viên, hay cầu thủ, được phân công trách nhiệm ở một vị trí mà người đó có thể đảm đương. Nếu có một vị trí nào đó bị yếu đi, cầu thủ không thể hoàn thành nhiệm vụ tại vị trí đó, thì các thành viên khác cùng hỗ trợ giúp thành viên tại vị trí đó hoàn thành nhiệm vụ hoặc khắc phục sai lầm trước đó. Chính vì vậy, đội bóng ổn định, không bị đổ vỡ và hình thành sức mạnh chung của toàn đội bóng. Tuy nhiên, mỗi thành viên trong đội bóng là sức mạnh chung của cả nhóm, nếu thiếu một thành viên thì cả đội bóng có nguy cơ suy yếu.

        III. THÀNH LẬP NHÓM
Với những nhóm là nhóm học tập, nhóm được thành lập như sau:

  •  Số lượng thành viên của mỗi nhóm trong khoảng 5 đến 8 thành viên, với số lượng này nhóm sẽ hoạt động đạt hiệu quả hơn.
  • Nhóm hình thành trên sự cộng tác kết hợp của các sinh viên cùng có chí hướng thực hiện một vấn đề nào đó cùng với nhau; tuy nhiên để dễ dàng cho việc hoạt động và trao đổi, tốt nhất là nên thành lập nhóm từ những thành viên có cùng điều kiện về hoạt động (thời gian vị trí, công việc...).
  • Các thành viên được kết nạp vào nhóm không có bất đồng riêng tư từ trước, nếu có hãy giải quyết bất đồng hoặc tham gia vào một nhóm khác nếu có thể.

.
        Sau khi đã tập hợp đủ số thành viên, nhóm tiến hành bầu nhóm trưởng. Các nhóm bầu nhóm trưởng trên cở sở tự thỏa thuận với nhau. Tiêu chí để bầu nhóm trưởng là:

  • Nhóm trưởng là người có khả năng giao tiếp tốt, tạo được mối quan hệ thân thiện với các thành viên trong nhóm
  • Có khả năng đánh giá, tổng hợp một vấn đề.
  • Có khả năng nhân sự: phân chia nhiệm vụ, giao nhiệm vụ cho các thành viên, đánh giá vấn đề…, ngoài khả năng chuyên môn, khả năng này cũng rất quan trọng, nó đảm bảo công việc được thực hiện với hiệu quả cao nhất.

       Ngoài công việc như các thành viên trong nhóm, nhóm trưởng còn phải đảm nhận các công việc:

  • Thống nhất mục tiêu chiến lược cho nhóm
  • Chủ trì các cuộc họp
  • Đảm bảo tiến độ thực hiện các công việc, nhiệm vụ đã đề ra
  • Kiểm tra, phân tích, khắc phục sai sót
  • Là đại diện chính thức của nhóm
  • Phân nhiệm vụ thực hiện cho từng thành viên


        V. LÀM VIỆC THEO NHÓM:
        Nhóm hoạt động chủ yếu bằng hình thức họp nhóm:
        Thời gian và địa điểm do nhóm tự thống nhất và quyết định. Thường thời gian họp nhóm tiến hành trong khoảng 45-75 phút, vì sau thời gian này mức độ tập trung không được cao. Các buổi họp nhóm càng diễn ra thường xuyên càng tốt.

       1.  Xây dựng mục tiêu cho nhóm:
        - Đề ra mục tiêu là vô cùng quan trọng để hoạt động nhóm được thành công. Những mục tiêu được xác định đúng là kim chỉ nam cho hoạt động của nhóm. Vì vậy, sau khi thành lập nhóm các nhóm cần xây dựng mục tiêu tổng quát riêng cho nhóm của mình dựa trên những mục tiêu chiến lược đã được đề ra.
        - Sau khi xây dựng mục tiêu tổng quát xong, chia các mục tiêu đó thành nhiều dự án ngắn hạn.
        - Xây dựng các dự án cụ thể dựa trên các dự án ngắn hạn đó.
        - Xây dụng các chỉ tiêu cụ thể cần thực hiện
        - Xây dựng các qui tắc, qui định riêng cho nhóm, thực hiện trong nhóm và mọi thành viên trong nhóm phải thực hiện nghiêm túc các qui định đó.

        Lưu ý: các dự án, chỉ tiêu được xây dựng cần :

  • Xác định rõ nhiệm vụ cần thực hiện
  • Cắt nhỏ đề án thành các công việc cụ thể, công việc này đủ nhỏ để một thành viên có thể hoàn thành được trong khả năng của mình.
  • Xác định rõ thời gian hoàn thành dự án, xây dựng các bước công việc cần hoàn thành với thời gian cụ thể.
  • Xây dựng tiêu chí đánh giá các dự án bằng các tiêu chí định lượng; đánh giá dựa trên tiêu chí định lượng là xác định tiến độ thực hiện dựa trên các phương pháp có thể: cân, đong, đo, đếm bằng các dụng cụ và cho ra số liệu cụ thể. Đánh giá theo tiêu chí định tính là đánh giá dựa trên nhận xét chung của cá nhân.
  •  Đừng để thất bại một phần dự án làm hủy hoại thành công chung của nhóm

        2. Tiến hành họp nhóm:
         a. Chuẩn bị: Các thành viên tự chuẩn bị các vấn đề cần trao đổi trước, hoàn thành các công việc được giao, vạch ra những vấn đề mới cần được trao đổi. Các thành viên phải tự nỗ lực lao động và học tập, các vấn đề được bàn luận khi họp nhóm là các vấn đề mới, khó giải quyết, các bài tập lớn cần nhiều người cùng làm. Không ỷ lại vào nhóm, trước khi họp nhóm các thành viên phải chuẩn bị kĩ lưỡng cho nội dung cần bàn luận. Ví dụ như khi bàn luận một bài tập khó trên nhóm thì đòi hỏi thành viên của nhóm đó phải tự giải bài tập đó ở nhà trước bằng nhiều phương pháp khác nhau, mặc dù không giải ra được nhưng đã có sự chuẩn bị và hình dung được vấn đề cần giải quyết, đồng thời tiết kiệm thời gian chuẩn bị đó cho những công việc khác.
         b. Mở đầu:
         
Các thành viên ổn định vị trí của mình, tắt chuông điện thoại hoặc các thiết bị khác để không ảnh hưởng đến quá trình làm việc của nhóm.
        Nhóm trưởng hoặc một thành viên nào đó trong nhóm nêu ra các vấn đề cần được giải quyết trong buổi họp. Sau đó các thành viên thống nhất thứ tự giải quyết các vấn đề.
Giải quyết vấn đề:
        c. Tiến hành giải quyết vấn đề.
        
- Cách thức làm việc theo nhóm và tính cách kín đáo, bảo thủ, áp đặt không thể sống chung với nhau. Mọi người đều có khả năng đưa ra nhiều ý tưởng khác nhau, khi ý tưởng được trình bày các thành viên nên chú ý lắng nghe trọn vẹn ý tưởng, không nên phản ứng, cắt ngang ý tưởng của thành viên khác. Nếu có những phản ứng riêng của cá nhân muốn phủ định ý tưởng được nêu ra thì nên ghi lại những ý kiến riêng của mình vào một tờ giấy. Sau khi thành viên đưa ra ý tưởng, tự rút ra các ưu điểm và nhược điểm của ý tưởng đó, so sánh với ý tưởng khác hoặc ý tưởng của bản thân rồi mới đưa ra ý kiến phản biện. Công việc của nhóm là quan sát, đánh giá, nhận xét các ý tưởng, để cùng phát huy, bổ sung các ưu điểm và bù lấp những khuyết điểm đang tồn tại.
       - Nhóm cùng thống nhất ý tưởng và đưa ra phương án hành động. Nếu có nhiều ý tưởng và phương án có khả năng thực hiện như nhau, nhóm tiến hành lấy ý kiến bằng hình thức biểu quyết để thống nhất ý tưởng và phương án hành động. Khi các ý tưởng và phương án được thống nhất thực hiện, có thể sẽ làm nảy sinh tâm lí không phục tùng với các thành viên có ý tưởng- phuơng án bị bác bỏ. Vì vậy, mỗi thành viên hãy học cách thực hiện theo tập thể, tìm ra các nhược điểm của ý tưởng - phương án đó để tìm cách bù lấp, xóa bỏ những khuyết điểm, làm cho phương án ngày càng thể hiện ưu điểm, giảm bớt nhược điểm có như vậy hiệu quả của công việc mới được nâng lên, nhóm đó mới trở thành một nhóm mạnh.
       - Các vấn đề, các công việc đòi hỏi nhiều sự sáng tạo và tư duy ưu tiên giải quyết trước
       d. Kết thúc:
         - Ghi nhận và đánh giá các kết quả đã thực hiện được trong buổi họp nhóm. Đánh giá tiến độ thực hiện công việc. Nhóm nên có một cuốn sổ để ghi chép quá trình thực hiện
         - Nêu vấn đề sẽ giải quyết trong lần họp nhóm lần sau, phân chia nhiệm vụ và công việc cần chuẩn bị cho từng thành viên
         - Thông báo những thông tin liên quan đến nhóm và các công việc ngoài lề khác.

Lưu ý:
- Thời gian họp nhóm nên tiến hành trong khoảng 45 đến 75 phút, nên tận dụng thời gian này hoạt động với hiệu quả cao nhất có thể được, không nên phí phạm thời gian này cho những công việc ngoài lề.
- Khi họp nhóm không cần thiết phải tạo ra bầu không khí quá nghiêm túc gây ức chế cho nhóm, cũng không quá dễ dãi, đùa cợt làm mất thời gian của nhóm. Khi họp nhóm cần tạo ra bầu không khí thoải mái, thân thiện, cùng nhau hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Làm việc theo hướng hiểu biết lẫn nhau: khuyến khích trao đổi cởi mở.
- Cố gắng sắp xếp các nhiệm vụ phù hợp với tính cách của thành viên, để thành viên lựa chọn hơn là cố ép thành viên đó vào một nhiệm vụ. Nên nhớ rằng mỗi thành viên, mỗi cá nhân có một cách nghĩ, tư duy riêng, không ai giống ai, vì thế không nên áp đặt lối suy nghĩ của bản thân cá nhân lên các thành viên khác trong nhóm.
- Mỗi thành viên cần nhận rõ trách nhiệm của cá nhân đối với hoạt động của nhóm.
- Chấp nhận thách thức đối với công việc mà mình đảm nhận

Nguyễn Dũng

13/4/09

Thang bậc nhu cầu của Maslow

Nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908-1970) được xem như một trong những người tiên phong trong trường phái Tâm lý học nhân văn (humanistic psychology), trường phái này được xem là thế lực thứ 3 (the Third Force) khi thế giới lúc ấy đang biết đến 2 trường phái tâm lý chính: Phân tâm học (Psychoanalysis) và Chủ nghĩa hành vi (Behaviorism).


Nguồn: www.ship.edu

Năm 1943, ông đã phát triển một trong các lý thuyết mà tầm ảnh hưởng của nó được thừa nhận rộng rãi và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục. Đó là lý thuyết về Thang bậc nhu cầu (Hierarchy of Needs) của con người. Trong lý thuyết này, ông sắp xếp các nhu cầu của con người theo một hệ thống trật tự cấp bậc, trong đó, các nhu cầu ở mức độ cao hơn muốn xuất hiện thì các nhu cầu ở mức độ thấp hơn phải được thỏa mãn trước.

Tổng quan về lý thuyết Thang bậc nhu cầu của Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs)

Trong thời điểm đầu tiên của lý thuyết, Maslow đã sắp xếp các nhu cầu của con người theo 5 cấp bậc:
- Nhu cầu cơ bản (basic needs)
- Nhu cầu về an toàn (safety needs)
- Nhu cầu về xã hội (social needs)
- Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)
- Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs)


Nguồn: www.ship.edu


Sau đó, vào những năm 1970 và 1990, sự phân cấp này đã được Maslow hiệu chỉnh thành 7 bậc và cuối cùng là 8 bậc:
- Nhu cầu cơ bản (basic needs)
- Nhu cầu về an toàn (safety needs)
- Nhu cầu về xã hội (social needs)
- Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)
- Nhu cầu về nhận thức (cognitive needs)
- Nhu cầu về thẩm mỹ (aesthetic needs)
- Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs)
- Sự siêu nghiệm (transcendence)


Nguồn: www.bkone.co.in

Hệ thống cấp bậc nhu cầu của Maslow thường được thể hiện dưới dạng một hình kim tự tháp, các nhu cầu ở bậc thấp thì càng xếp phía dưới.

Giải thích và phân tích

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng phiên bản 5 bậc để phân tích và giải thích các hành động trong cuộc sống và giáo dục.


Nguồn: www.ship.edu

1. Nhu cầu cơ bản (basic needs): 
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu của cơ thể (body needs) hoặc nhu cầu sinh lý (physiological needs), bao gồm các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, uống, ngủ, không khí để thở, tình dục, các nhu cầu làm cho con người thoải mái,…đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người. Trong hình kim tự tháp, chúng ta thấy những nhu cầu này được xếp vào bậc thấp nhất: bậc cơ bản nhất. 

Maslow cho rằng, những nhu cầu ở mức độ cao hơn sẽ không xuất hiện trừ khi những nhu cầu cơ bản này được thỏa mãn và những nhu cầu cơ bản này sẽ chế ngự, hối thúc, giục giã một người hành động khi nhu cầu cơ bản này chưa đạt được.

Ông bà ta cũng đã sớm nhận ra điều này khi cho rằng: “Có thực mới vực được đạo”, cần phải được ăn uống, đáp ứng nhu cầu cơ bản để có thể hoạt động, vươn tới nhu cầu cao hơn. 

Chúng ta có thể kiểm chứng dễ dàng điều này khi cơ thể không khỏe mạnh, đói khát hoặc bệnh tật, lúc ấy, các nhu cầu khác chỉ còn là thứ yếu. 


Nguồn: tiki.oneworld.net

Sự phản đối của công nhân, nhân viên khi đồng lương không đủ nuôi sống họ cũng thể hiện việc đáp ứng các yêu cầu cơ bản cần phải được thực hiện ưu tiên.

2. Nhu cầu về an toàn, an ninh (safety, security needs): 
Khi con người đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tức các nhu cầu này không còn điều khiển suy nghĩ và hành động của họ nữa, họ sẽ cần gì tiếp theo? Khi đó các nhu cầu về an toàn, an ninh sẽ bắt đầu được kích hoạt. Nhu cầu an toàn và an ninh này thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần. 

Con người mong muốn có sự bảo vệ cho sự sống còn của mình khỏi các nguy hiểm. Nhu cầu này sẽ trở thành động cơ hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp, nguy khốn đến tính mạng như chiến tranh, thiên tai, gặp thú dữ,…. Trẻ con thường hay biểu lộ sự thiếu cảm giác an toàn khi bứt rứt, khóc đòi cha mẹ, mong muốn được vỗ về.

Nhu cầu này cũng thường được khẳng định thông qua các mong muốn về sự ổn định trong cuộc sống, được sống trong các khu phố an ninh, sống trong xã hội có pháp luật, có nhà cửa để ở,…Nhiều người tìm đến sự che chở bởi các niềm tin tôn giáo, triết học cũng là do nhu cầu an toàn này, đây chính là việc tìm kiếm sự an toàn về mặt tinh thần.

Các chế độ bảo hiểm xã hội, các chế độ khi về hưu, các kế hoạch để dành tiết kiệm, …cũng chính là thể hiện sự đáp ứng nhu cầu an toàn này.

Thông qua việc nghiên cứu 2 cấp bậc nhu cầu trên chúng ta có thể thấy nhiều điều thú vị:

- Muốn kìm hãm hay chặn đứng sự phát triển của một người nào đó, cách cơ bản nhất là tấn công vào các nhu cầu bậc thấp của họ. Nhiều người làm việc chịu đựng các đòi hỏi vô lý, các bất công, vì họ sợ bị mất việc làm, không có tiền nuôi bản thân và gia đình, họ muốn được yên thân,…

- Muốn một người phát triển ở mức độ cao thì phải đáp ứng các nhu cầu bậc thấp của họ trước: đồng lương tốt, chế độ đãi ngộ hợp lý, nhà cửa ổn định,…Chẳng phải ông bà chúng ta đã nói: “An cư mới lạc nghiệp” hay sao?

- Một đứa trẻ đói khát cùng cực thì không thể học tốt, một đứa trẻ bị stress thì không thể học hành, một đứa trẻ bị sợ hãi, bị đe dọa thì càng không thể học. Lúc này, các nhu cầu cơ bản, an toàn, an ninh được kích hoạt và nó chiếm quyền ưu tiên so với các nhu cầu học hành. Các nghiên cứu về não bộ cho thấy, trong các trường hợp bị sợ hãi, bị đe doạ về mặt tinh thần và thể xác, não người tiết ra các hóa chất ngăn cản các quá trình suy nghĩ, học tập.

3. Nhu cầu về xã hội (social needs):
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu mong muốn thuộc về một bộ phận, một tổ chức nào đó (belonging needs) hoặc nhu cầu về tình cảm, tình thương (needs of love). Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, đi làm việc, đi chơi picnic, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm, …

Nhu cầu này là một dấu vết của bản chất sống theo bầy đàn của loài người chúng ta từ buổi bình minh của nhân loại. Mặc dù, Maslow xếp nhu cầu này sau 2 nhu cầu phía trên, nhưng ông nhấn mạnh rằng nếu nhu cầu này không được thoả mãn, đáp ứng, nó có thể gây ra các bệnh trầm trọng về tinh thần, thần kinh. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, những người sống độc thân thường hay mắc các bệnh về tiêu hóa, thần kinh, hô hấp hơn những người sống với gia đình. Chúng ta cũng biết rõ rằng: sự cô đơn có thể dễ dàng giết chết con người. Nhiều em ở độ tuổi mới lớn đã lựa chọn con đường từ bỏ thế giới này với lý do: “Những người xung quanh, không có ai hiểu con!”.


Nguồn: www.fdccc.org

Để đáp ứng cấp bậc nhu cầu thứ 3 này, nhiều công ty đã tổ chức cho các nhân viên có các buổi cắm trại ngoài trời, cùng chơi chung các trò chơi tập thể, nhà trường áp dụng các phương pháp làm việc theo nhóm, các phương pháp giảng dạy dựa trên vấn đề, các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường được giao trách nhiệm tập hợp các em, định hướng các em vào những hoạt động bổ ích. Các kết quả cho thấy: các hoạt động chung, hoạt động ngoài trời đem lại kết quả tốt cho tinh thần và hiệu suất cho công việc được nâng cao.

Kinh nghiệm giảng dạy của nhiều giáo viên cũng đưa đến kết luận: phần lớn các em học sinh sống trong các gia đình hay bất hòa, vợ chồng lục đục, thiếu quan tâm, tình thương của gia đình thường có kết quả học tập không cao như các em học sinh khác.

4. Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs):
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu tự trọng (self esteem needs) vì nó thể hiện 2 cấp độ: nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng thông qua các thành quả của bản thân, và nhu cầu cảm nhận, quý trọng chính bản thân, danh tiếng của mình, có lòng tự trọng, sự tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho một đứa trẻ học tập tích cực hơn, một người trưởng thành cảm thấy tự do hơn. 

Chúng ta thường thấy trong công việc hoặc cuộc sống, khi một người được khích lệ, tưởng thưởng về thành quả lao động của mình, họ sẵn sàng làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn. Nhu cầu này được xếp sau nhu cầu “thuộc về một tổ chức”, nhu cầu xã hội phía trên. Sau khi đã gia nhập một tổ chức, một đội nhóm, chúng ta luôn muốn được mọi người trong nhóm nể trọng, quý mến, đồng thời chúng ta cũng phấn đấu để cảm thấy mình có “vị trí” trong nhóm đó.


Nguồn: buddhism.kalachakranet.org

Kinh nghiệm giáo dục cũng chỉ ra rằng: các hành động bêu xấu học sinh trước lớp, cho các học sinh khác “lêu lêu” một em học sinh bị phạm lỗi,… chỉ dẫn đến những hậu quả tồi tệ hơn về mặt giáo dục, tâm lý. 

Nhà sư phạm lỗi lạc Makarenko trong suốt cuộc đời dạy dỗ trẻ em hư, khi được hỏi bí quyết nào để sửa trị các em, ông nói “Tôi chỉ đúc kết trong một công thức ngắn gọn: Tôn trọng và yêu cầu cao”. Bản chất tâm lý con người ai cũng muốn được tôn trọng, chạm đến lòng tự trọng là chạm đến điều sâu và đau nhất, là điểm tử huyệt nhất của con người (cho dù đó là đứa trẻ khó dạy, chưa ngoan).
Chỉ tôn trọng mà không yêu cầu là không ổn. Khi được tôn trọng là đã cho con người ở đúng vị trí “Người” nhất của mình. Do vậy, cần có trách nhiệm buộc phải sống và hành xử đúng đắn với sự tôn trọng đó.”” 

( Trích VietNamNet, ngày 30/10/2007)

5. Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs):
Khi nghe về nhu cầu này: “thể hiện mình” chúng ta khoan vội gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Không phải ngẫu nhiên mà nhu cầu này được xếp đặt ở mức độ cao nhất. “Thể hiện mình” không đơn giản có nghĩa là nhuộm tóc lòe lẹt, hút thuốc phì phèo, “xổ nho” khắp nơi, nói năng khệnh khạng, …

Maslow mô tả nhu cầu này như sau: “self-actualization as a person's need to be and do that which the person was “born to do”” (nhu cầu của một cá nhân mong muốn được là chính mình, được làm những cái mà mình “sinh ra để làm”). Nói một cách đơn giản hơn, đây chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để tự khẳng định mình, để làm việc, đạt các thành quả trong xã hội. 

Chúng ta có thể thấy nhiều người xung quanh mình, khi đã đi đến đoạn cuối của sự nghiệp thì lại luôn hối tiếc vì mình đã không được làm việc đúng như khả năng, mong ước của mình. Hoặc có nhiều trường hợp, một người đang giữ một vị trí lương cao trong một công ty, lại vẫn dứt áo ra đi vì muốn thực hiện các công việc mà mình mong muốn, cái công việc mà Maslow đã nói “born to do”. Đó chính là việc đi tìm kiếm các cách thức mà năng lực, trí tuệ, khả năng của mình được phát huy và mình cảm thấy hài lòng về nó.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên báo VietNamNetdiễn viên Quyền Linh đã trả lời câu hỏi của người phỏng vấn như sau:

PVNếu hiện tại có một lời mời đóng phim nhưng cát-sê không tương xứng với thời gian công sức anh sẽ phải bỏ ra thì anh có nhận không?

DV Quyền LinhBù lại nếu vai diễn đó hay thì thậm chí chỉ cần nuôi cơm, không cần tiền tôi cũng đóng. Từ trước đến nay đóng phim đâu có dư tiền, tôi biết điều đó mà. Nhưng hãy cho tôi một vai diễn, một cơ hội và một sự tôn trọng..
(Trích VietNamNet, ngày 27/11/2007)

Nhu cầu này cũng chính là mục tiêu cao nhất mà giáo dục hiện đại nhắm đến. Trong báo cáo của Unesco Learning: the Treasure Within, vấn đề học tập đã được mô tả qua 4 trụ cột của giáo dục (The Four Pillars of Education):


Nguồn: www.unesco.org/delors/fourpil.htm

- Learning to know: Học để biết.
- Learning to do: Học để làm.
- Learning to live together: Học để chung sống.
- Learning to be: Học để tự khẳng định mình.

Kết luận

Thông qua lý thuyết về Thang bậc nhu cầu được đề xướng bởi nhà tâm lý học Abraham Maslow, mỗi người trong chúng ta có thể rút ra nhiều điều thú vị về những nhu cầu, giá trị trong cuộc sống, tìm hiểu các khó khăn mà học sinh gặp phải, các phương thức cần thiết để giáo dục hiệu quả.

Cũng giống như bao lý thuyết khác, lý thuyết này dĩ nhiên không phải là một sự tuyệt đối hóa và toàn vẹn, nó cũng nhận được nhiều ý kiến trái ngược và phản bác. Tuy nhiên, hơn 60 năm qua, lý thuyết vẫn được nhắc đến và sử dụng rộng rãi.

Giaovien.net