10/4/09

Ý tưởng là yếu tố quyết định

Câu chuyện thiết kế:

Y tuong la yeu to quyet dinh

Lâm Thụy Nguyên Hồng (ảnh) là một giảng viên trẻ của ngành tạo dáng sản phẩm, khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Từ bốn năm nay, chị đảm nhiệm chức danh giám đốc sáng tạo của Công ty cổ phần Mỹ thuật Gia Long.





Một cuộc trò chuyện với chị về thiết kế các sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thông dụng đòi hỏi tính thẩm mỹ cao như điện thoại di động quả là thú vị.

+ Theo chị, những tiêu chí nào cần có khi thiết kế tạo dáng một sản phẩm?

- Thiết kế tạo dáng sản phẩm là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật, không do cảm tính nghệ thuật của người thiết kế quyết định, mà phải dựa trên những nguyên lý cơ bản, kết hợp cùng sự nghiên cứu nghiêm túc các yếu tố tác động lên sản phẩm và người tiêu dùng.

Để cho ra đời một sản phẩm, nhà thiết kế phải tìm hiểu, nghiên cứu qua quy trình sau:

Có ba tiêu chí chính trong thiết kế để cho ra đời một sản phẩm thành công:

- Thẩm mỹ trong kiểu dáng
- Đáp ứng công năng
- Chất liệu phù hợp

+ Vậy một sản phẩm cần có những yếu tố nào về thiết kế để đáp ứng về mặt thời trang?

- Khi đời sống càng phát triển, nhu cầu của người dân càng cao. Một sản phẩm thời trang cần thể hiện trào lưu, khuynh hướng của thời đại và phải tạo được sự khác biệt so với những sản phẩm khác. Cùng một công năng cơ bản nhưng sản phẩm có thiết kế độc đáo hơn trong công năng, chất liệu sắc sảo hơn sẽ nổi trội hơn. Điều này buộc các nhà thiết kế phải thiết kế những sản phẩm có thêm nhiều nét mới lạ, tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho người sử dụng và góp phần nâng cao thẩm mỹ của người tiêu dùng. Sản phẩm thời trang không chỉ mới, đẹp mà còn phải giúp thể hiện được phong cách của người sử dụng.

Y tuong la yeu to quyet dinh
+ Cảm hứng sáng tạo một sản phẩm có thể bắt đầu từ đâu? Chị hiện thực hóa cảm hứng sáng tác qua tác phẩm như thế nào?

- Để có thể cho ra đời một sản phẩm độc đáo, ấn tượng thì phải có ý tưởng. Ý tưởng rất muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng. Để hình thành được ý tưởng, nhà thiết kế phải thật sự có cảm hứng và cảm xúc từ một điều gì đó có trong cuộc sống, trong thiên nhiên…

Từ những cảm hứng đó, nhà thiết kế ứng dụng biến dạng từ những hình khối hình học theo nhiều phương pháp và đôi khi phải kết hợp với những đường thẳng, đường cong, đường chuyển động để cho ra đời những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ. Ví dụ như nhà thiết kế có thể cảm hứng trước cái đẹp đường vân khi cắt trái kiwi ra làm đôi mà cho ra đời kiểu dáng một máy ép trái cây, hay có thể lấy cảm hứng từ hoa văn của hoa sen cổ để cho ra đời một bộ ấm trà sen.

Với tôi, để tạo ra được kiểu dáng của bánh xà phòng Lifebouy, khi còn là sinh viên năm thứ tư, tôi đã lấy cảm hứng từ con chuột máy tính. Tôi dùng hình khối hình chữ nhật, sử dụng những đường cong biến dạng khối ấy theo nhiều phương pháp kết hợp để tạo ra nhiều kiểu dáng xà phòng khác nhau. Và những mô hình xà phòng đó phải trải qua nhiều giai đoạn kiểm tra các yếu tố tác động đến sản phẩm và người tiêu dùng để chọn được một kiểu dáng tốt nhất đưa vào sản xuất thử, sau đó mới được tung ra thị trường. Bộ bình trà tam giác tôi thiết kế cũng được hình thành từ ý tưởng lấy cảm hứng qua trái dâu tây và ứng dụng hình khối tam giác.

+ Nokia Prism Collection có những tác phẩm lấy cảm hứng từ các công trình kiến trúc như Sân vận động Munich, Bank of China, Prada shop ở Nhật Bản… Là một nhà thiết kế, chị đánh giá như thế nào về ứng dụng các yếu tố hình học như đường thẳng, hình tam giác, hình khối cũng như sự phối hợp các yếu tố tương phản như bóng với mờ, cân xứng và bất cân xứng… trong thiết kế điện thoại Nokia 7500 và Nokia 7900?

- Theo thuyết nghiên cứu nhu cầu của Maslo, khi đời sống xã hội ngày càng phát triển, sản phẩm hiện đại không chỉ cần có nhiều công năng, sử dụng tốt, mà còn phải có tính thẩm mỹ cao, thời trang, phù hợp với cá tính và đẳng cấp của người mua sắm. Ngày nay, các đường nét trở nên đơn giản. Những hình lập thể, hình tròn, hình vuông… được bố cục và biến hóa một cách rất tự nhiên, hài hòa để tạo nét chủ đạo của kiểu dáng. Kiểu dáng giờ đây phải thật sự quyến rũ, hòa nhập với thiên hướng thời trang hiện đại và phải kết hợp với các vật liệu quý, phụ kiện sang trọng.

Vì vậy, những kiểu dáng của sản phẩm không còn khoác vỏ bọc cầu kỳ, cũ kỹ nữa, mà là những vỏ bọc rất đơn giản, hiện đại, được hình thành từ sự chắt lọc tinh tế từ những cảm hứng của các nhà thiết kế. Điển hình như điện thoại di động thời trang mới nhất Nokia 7900 Prism và Nokia Prism 7500.

Y tuong la yeu to quyet dinh
Bank of China - một trong những cảm hứng của Nokia Prism Collection
Nét độc đáo trong thiết kế của Prism Collection chính là sự ứng dụng và biến hóa của các đường nét, hình khối, đặc biệt là sự lắp ghép các hình tam giác trên bàn phím theo bố cục hàng lối và phi đối xứng để tạo chủ đạo của kiểu dáng, Prism Collection có kiểu dáng rất mạnh mẽ và đường viền thì mềm mại, rất hợp với thiên hướng thời trang hiện đại.

Prism Collection được lấy cảm hứng từ các công trình kiến trúc độc đáo như Sân vận động Munich, Bank of China và Prada shop tại Nhật Bản, tạo nên một bàn phím kim cương rất lạ mắt, khác với những bàn phím đang có trên thị trường. Bàn phím này có kết cấu ba chiều quyến rũ như biểu tượng của Chanel.

Màu sắc của Prism Collection cũng rất ấn tượng vì màu đen bóng mờ đi với nét rực rỡ tạo sự tương phản sáng tối rất mạnh. Prism Collection huyền bí rất hấp dẫn cho cả nam và nữ.

+ Ngoài hình dáng bên ngoài, việc tích hợp và ứng dụng những công nghệ mới trong sản phẩm cũng là một yếu tố để tạo nên sự độc đáo trong thiết kế. Chị thấy việc ứng dụng công nghệ OLED vào màn hình điện thoại di động có phải là một bước tiến mới?

- Ngoài những đường nét độc đáo thiết kế về kiểu dáng, các tính năng của điện thoại cũng rất quan trọng trong thiết kế. Nokia 7900 được trang bị công nghệ OLED cho màn hình chính, giúp thể hiện ánh sáng tập trung tốt hơn. Theo xu hướng thiết kế kiểu dáng hiện đại hiện nay, điện thoại di động thời trang mới nhất của Nokia 7900 Prism và Nokia Prism 7500 rất phù hợp với mọi không gian, thời gian, phù hợp với những con người năng động, muốn thể hiện và khẳng định phong cách của mình.

Theo THI AN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Kiểu dáng ĐTDĐ qua các thời kỳ phát triển

Kieu dang DTDD qua cac thoi ky phat trien

Ngay từ những ngày đầu, tất cả những chiếc ĐTDĐ đều có cùng một kiểu dáng, với kích cỡ trung bình khá lớn. Chiếc ĐTDĐ đầu tiên do Dr. Martin Cooper phát minh, được hãng Motorola sản xuất vào năm 1973. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Dr.Cooper đã nói rằng thiết bị cầm tay đầu tiên này có hình dạng tương tự một viên gạch, với trọng lượng 0,82 kg, mặc dù trọng lượng thiết kế ban đầu là 1kg.



Ý tưởng chế tạo điện thoại di động đến với Martin Cooper từ cuối thập niên 60 khi ông xem bộ phim Start Trek. Trong bộ phim này có hoạt cảnh con người sử dụng các thiết bị không dây để liên lạc, trao đổi với nhau. Có lẽ nếu Start Trek không được trình chiếu rộng rãi trên khắp thế giới vào cuối thập niên 60, thì điện thoại di động đã xuất hiện muộn hơn rất nhiều.

Quá trình phát triển chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới diễn ra trong nhiều năm và chỉ cho tới tháng 2 năm 1973, nó mới chính thức hoàn thành và được đặt tên là DynaTac. Trong suốt quá trình phát triển, Dr. Cooper luôn giữ nguyên quan điểm về kích thước chuẩn của một chiếc điện thoại di động, mặc dù kỹ thuật thời bấy giờ hoàn toàn không cho phép ông có thể tạo ra chiếc điện thoại với kích cỡ nhỏ như những chiếc được những người hùng trong phim Star Trek sử dụng.

Ngay từ năm 1973, Martin Cooper đã cho rằng, cùng với thời gian, những chiếc điện thoại di động sẽ trở nên nhỏ hơn, và thời gian đã chứng minh nhận định chính xác đó của ông.

Phụ trách thiết kế về kiểu dáng lúc đó là ông Rudy Krolopp, giám đốc thiết kế công nghiệp của Motorola,. Ông và nhóm của mình trước đó không hề có một hình mẫu nào để tham khảo. Hơn thế nữa, Martin Cooper đã đặt ra một thời hạn rất chặt: trong vòng 6 tuần, phải thiết kế chiếc điện thoại sao cho nó hoạt động trơn tru để ủy ban FCC kiểm tra.

Kieu dang DTDD qua cac thoi ky phat trien

Mẫu thiết kế cuối cùng được nhóm của Rudy Krolopp quyết định ngay trong bữa tối tại một nhà hàng nằm sát công ty. Krolopp hồi tưởng lại: “Chúng tôi đã gọi nó là cái giầy điện thoại, bởi vì trong nó hơi giống như một chiếc giầy nhỏ”. Mặc dù vậy, ngay cả với kích cỡ này, nhóm của Krolopp vẫn gặp khó khăn trong việc bố trí thiết bị điện tử bên trong. Cuối cùng chiếc điện thoại di động đầu tiên DynaTac cũng được hoàn thành với kích cỡ 9 x 5 x 1,75 inch (22,8 x 12,7 x 4,45 cm), và nặng gần 1 kg. Thời gian một cuộc gọi tối đa là 35 phút và phải mất 10h để sạc đầy pin.

Tại thời điểm năm 1973, kích cỡ này đã là một cuộc cách mạng, và thực tế thì nó đã có đầy đủ yếu tố của một chiếc điện thoại di động. Ngày nay, những chiếc điện thoại chúng ta đang sử dụng có kích cỡ trung bình 10 x 4 x 4,15 cm.

DynaTac thực hiện cuộc gọi đầu tiên vào ngày 3/4/1973 tại New York. Dr Copper đứng ở một con phố gần Manhattan Hilton và trạm thu phát đặt tại nóc tòa nhà Burlington Consolidator (ngày nay là toà nhà Alliance Capital). Vào giờ khắc lịch sử của mình, Dr Cooper đã thực hiện cuộc gọi tới Joel Engel người đứng đầu một công ty là đối thủ cạnh tranh quyết liệt với Motorola vào thời kỳ đó. Cuộc trò chuyện có nội dung ngắn gọn như sau: “Chào Joel - anh có đoán được tôi đang gọi từ đâu không? Joel, tôi đang gọi cho anh từ một chiếc điện thoại không dây thực sự, một chiếc điện thoại cầm tay”.

Tháng 4/1973, Motorola chính thức tung ra thị trường những chiếc điện thoại di động Dynatac của mình. Trong suốt 10 năm sau đó, Motorola đã nỗ lực không ngừng để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho hệ thống liên lạc không dây và liên tục cải tiến kiểu dáng của điện thoại di động. Từ năm 1973 cho tới năm 1983, các kỹ sư của Motorola đã tạo ra 5 bản thiết kế của DynaTac, mỗi bản thiết kế sau lại nhỏ hơn, nhẹ hơn bản thiết kế trước, dù chức năng vẫn y hệt ban đầu. Cuối cùng họ đã thành công trong việc rút kích cỡ của điện thoại xuống còn một nửa so với kích cỡ ban đầu, trọng lượng giảm từ 1 kg xuống còn 450 g.

Kieu dang DTDD qua cac thoi ky phat trien

Khác với những nhà thiết kế, người tiêu dùng liên tưởng chiếc điện thoại di động giống những viên gạch hơn là những cái giầy. Năm 1983, giá của một chiếc Dynatac là 3.995 USD, biến nó trở thành một sản phẩm xa xỉ, tượng trưng cho địa vị cao trong xã hội. Hay nói cách khác, chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Mọi thứ thay đổi rất nhanh và biệt hiệu “viên gạch” đã trở thành một phần của lịch sử. Nghiên cứu lịch sử của Dynatac, chúng ta có thể thấy những xu hướng thiết kế chủ đạo mà giờ vẫn đúng đối với những chiếc điện thoại di động ngày nay, đó là:

- Cấu trúc của điện thoại di động được thiết kế không bắt đầu từ một nguồn nào. Các kỹ sư phải nghĩ cách sắp đặt những thành phần nhất định vào trong một không gian cho trước, tìm mọi cách nghĩ ra những giải pháp phù hợp.

- Tên gọi ban đầu được các nhà thiết kế đặt ra lại thường không được người tiêu dùng nhớ tới. Họ chỉ nghĩ đó là “Viên gạch”. Chỉ có một ngoại lệ là khi nhà thiết kế đặt tên sản phẩm gắn liền với một sản phẩm hoặc xu hướng thời trang nào đó, mà ví dụ tiêu biểu là điện thoại RAZR của Motorola.

- Mỗi khi một kiểu dáng mới xuất hiện và bán chạy trên thị trường, nó sẽ được các nhà sản xuất khác bắt chước dù với mức độ ít hay nhiều.

Ngày 21/9/1983, Motorola đã được FCC cấp phép cho chiếc Motorola DynaTac 8000X. Đây chính là chiếc điện thoại di động được thương mại hóa đầu tiên trên thế giới. Cũng từ đây, trang lịch sử kiểu dáng điện thoại di động bắt đầu.

Kiểu Candy Bar

Kiểu thiết kế phổ biến đầu tiên được người tiêu dùng gọi là “Candy Bar” - nghĩa là thanh kẹo. Với hình khối chữ nhật truyền thống, những chiếc điện thoại Candy Bar là một khối gắn chặt, không hề có một chi tiết nào có thể di chuyển được, ngoài trừ một chiếc ăng ten có thể kéo ra kéo vào.

Sự xuất hiện của thuật ngữ: “Thanh kẹo” cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. Ban đầu chiếc DynaTac cũng như những chiếc điện thoại khác (ví dụ như chiếc Nokia Mobira City Man sản xuất năm 1987) đều có hình dạng chữ nhật với các góc nhọn. Năm 1991 Nokia đưa ra mẫu điện thoại đầu tiên cho mạng GSM với model Nokia 1011 - đây là chiếc điện thoại vẫn có thiết kế khối chữ nhật cổ điển nhưng các góc của nó được vuốt mềm, trông giống như những thanh kẹo. Sự tương phản giữa “Thanh kẹo” và “Viên gạch” cũng đánh dấu sự chuyển đổi giữa thế hệ mạng GSM và chuẩn mạng analog đã lỗi thời. Thuật ngữ “Candy Bar” thời kỳ này tượng trưng cho toàn bộ mảng thị trường điện thoại di động sử dụng hệ GSM.

Kieu dang DTDD qua cac thoi ky phat trien

Năm 1985, Nhật Bản cũng đưa ra chiếc điện thoại cầm tay đầu tiên của mình, đây là một biến thế của chiếc điện thoại trong xe ô tô vốn được đặt trong một chiếc hộp nhỏ có dây đeo qua vai. Vì vậy mọi người thường hay gọi là “shoulder phone” tạm dịch là “điện thoại đeo vai”. Nó nặng 3 kg và thực sự chưa phải là một thiết bị di động.

Thiết kế kiểu “Thanh kẹo” đã trở nên phổ biến đến nỗi đối với thế giới, việc thiết kế một kiểu dáng khác cho chiếc điện thoại di động dường như là một nhiệm vụ không thể thực hiện được. Mặc dù vậy, tháng 9/2004. Nokia chứng minh tất cả mọi người đã sai lầm, bằng việc tung ra chiếc điện thoại Nokia 7280. Thoạt nhìn, chúng giống như những “Candy Bar” nhưng dài hơn, chiều rộng hẹp hơn và không hề có bàn phím. Chúng được coi là những sản phẩm thời trang.

Tháng 10/2005 Nokia đưa ra phiên bản Nokia 7380 vẫn kế thừa kiểu dáng của 7280 song với màu sắc và họa tiết bề mặt khác. Nokia 7380 có doanh thu không đáng kể và nhanh chóng biến mất khỏi thị trường. Người tiêu dùng thời trang vẫn ưa sản phẩm 7280 hơn.

Một mẫu tương tự nhưng với bàn phím 2 cột được Công ty Haier tung ra vào năm 2003. Sản phẩm này có hình dáng gần giống với một chiếc máy thu âm. Trong khi Haier gọi đó là “điện thoại bút” bởi kích thước khá nhỏ và có hình thù như một cây bút. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng nhanh chóng bị người tiêu dùng quên lãng.

Kieu dang DTDD qua cac thoi ky phat trien

Kiểu gập - vỏ sò

Thế hệ tiếp theo là sự xuất hiện của điện thoại có nắp - một miếng nắp nhỏ đậy trên bàn phím để ngăn các phím bị bấm ngẫu nhiên. Rất nhiều người lầm tưởng Motorola là người đầu tiên sáng tạo ra thiết kế này. Thực tế, Motorola chỉ là công ty đầu tiên ứng dụng kiểu dáng này và các nhà sản xuất khác sau này bắt chước theo. Thiết kế nắp gập thực tế do phòng thí nghiệm Bell phát minh và được phát triển bởi tập đoàn GTE.

“Flip Phone” được GTE sản xuất, là chiếc điện thoại thương mại đầu tiên có nắp gập lên ở phần phím bấm. Giống như những chiếc điện thoại bàn, mỗi khi mở nắp gập lên là có thể nhận cuộc gọi tới và đóng nắp gập lại tương tự như động tác dập máy. Lợi ích của chiếc điện thoại này rất rõ ràng, bạn có thể để nó ở bất kỳ đâu mà không lo bị nhận cuộc gọi hoặc quay số ngẫu nhiên, vì chiếc nắp rất khó có thể tự động bật ra.

Những chiếc điện thoại có nắp gập xuống thường phổ biến hơn với loại có nắp gập lên. Samsung là nhà sản xuất chủ yếu các loại điện thoại có nắp gập. Vào thời gian này, điện thoại có nắp gập được coi như một sản phẩm thời thượng, nhiều nhà sản xuất phát triển đồng thời cả 2 mẫu điện thoại, có và không có nắp gập, ví dụ như Ericsson.

Kieu dang DTDD qua cac thoi ky phat trien

Thời kỳ vàng son của các mẫu điện thoại có nắp gập là vào giữa thập kỷ 90. Vào thời kỳ này, tất cả các nhà sản xuất đều cho ra các phiên bản có nắp gập, nhu cầu với kiểu dáng này tăng liên tục. Dẫn đầu vẫn là Motorola, để đảm bảo thị phần của mình, tháng 3 năm 1994, Motorola tiến hành đăng ký độc quyền kiểu dáng nắp gập và họ nhận được đăng ký bản quyền có hiệu lực từ năm 1998 cho tới tận năm 2005 mới từ bỏ bản quyền này.

Kiểu dáng này tồn tại được 10 năm. Hai sản phẩm cuối cùng của dòng điện thoại có nắp gập bàn phím là Ericsson T10s và T18s. Chính Motorola là hãng chấm dứt sự tồn tại của kiểu thiết kế này với sự ra đời của StarTac - chiếc điện thoại có hình dạng vỏ sò đầu tiên.

Bắt đầu từ năm 1996, người tiêu dùng đã xôn xao bàn tán về một sản phẩm mới rất quyết rũ (hình dạng hoàn toàn mới, cả về kích cỡ lẫn chức năng). Nắp gập của chiếc Startac không chỉ ở phần bàn phím mà chiếm toàn bộ bề mặt chiếc điện thoại. Phần nắp gập chưa đựng cả màn hình, do đó làm kích cỡ chiếc điện thoại giảm hẳn. Tại thị trường Mỹ, Startac chiếm được thị phần rất đáng kể, thuật ngữ “nắp gập” chủ yếu được hiểu như là “điện thoại vỏ sò” - một kiểu thiết kế mà toàn bộ mặt trên của chiếc điện thoại có thể mở ra đóng vào.

Kieu dang DTDD qua cac thoi ky phat trien

Motorola là người đi tiên phong trong việc sản xuất các thế hệ điện thoại có nắp gập. 7 năm sau ngày tung ra thị trường chiếc điện thoại có nắp gập bàn phím đầu tiên vào năm 1989, tháng 3/1996, cũng chính Motorola tung ra chiếc điện thoại kiểu vỏ sò đầu tiên, đặt tên là StarTac.

Startac nhanh chóng gây ra một cơn sốt và trở thành sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường cho tới năm 2004, khi chiếc Motorola RAZR – chiếc điện thoại vỏ sò có vỏ ngoài bằng kim loại được phát hành. Startac và RAZR đã xây dựng một kỷ nguyên mới cho Motorola.

Bên cạnh vẻ ngoài quyến rũ, Startac có kích cỡ rất gọn so với những chiếc điện thoại trước đó và thường được so sánh với những chiếc máy nhắn tin. Trọng lượng của nó cũng rất đặc biệt - chỉ 88 g, do đó có thể nhét trong túi áo hoặc đeo ở thắt lưng.

Mở hoặc đóng chiếc Startac không chỉ đơn thuần là một động tác, mà còn có thể dùng để thực hiện chức năng nghe hoặc dập máy. Điều này hơn hẳn các loại điện thoại nắp gập thế hệ trước. StarTac tự động trả lời cuộc gọi khi bật nắp. Với các loại điện thoại ngày nay thì bạn có thể tùy chỉnh bật hoặc tắt chức năng này.

Với sự xuất hiện của Startac, điện thoại di động đã trở thành một thiết bị cá nhân thực sự, điều đó giải thích tại sao công nghệ báo rung (do hãng VibroCall phát minh) được ứng dụng vào điện thoại di động. Motorola và một số nhà sản xuất đã ứng dụng rộng rãi công nghệ báo rung trong thiết bị nhắn tin, nhưng trước đó chưa bao giờ có ý tưởng ứng dụng vào điện thoại di động.

Motorola cũng là hãng đầu tiên bán trọn gói điện thoại kèm theo các phụ kiện như tai nghe hoặc pin phụ. Điều này bây giờ nghe có vẻ rất hài hước, nhưng vào thời kỳ đó (năm 1996) đã là một sự kiện rất đáng chú ý. Trong năm đầu tiên, Startac được bán với giá khoảng 3.000 USD. Cùng với thời gian, Startac được phát triển thêm nhiều phiên bản và tổng doanh số bán hàng lên tới 75 triệu chiếc - một kỷ lục vào thời kỳ đó.

Startac đã trở thành một biểu tượng, xuất hiện liên tục trong các bộ phim, chiếm đầy các trang báo thời kỳ đó. Mặc dù Motorola là hãng đầu tiên đưa ra thiết kế kiểu vỏ sò, nhưng ngày nay, mỗi khi nhắc tới kiểu điện thoại này, người ta lại liên tưởng tới cái tên Samsung nhiều hơn. Lý do là các mẫu điện thoại vỏ sò của Samsung sau này hết sức thành công trên thị trường và đẩy cái tên StarTac đi vào quên lãng. Ngoài kiểu vỏ sò truyền thống, các nhà sản xuất đều cố gắng đưa ra nhiều mẫu mã thay đổi khác nhau. Tháng 5/2001, Hãng Samsung tung ra chiếc A300 - chiếc điện thoại vỏ sò đầu tiên có màn hình ngoài. Tháng 9/2001, Samsung A400 - được thiết kế với những đường cong mềm mại phục vụ đối tượng nữ giới xuất hiện. Tháng 6/2002, Samsung lại tung ra chiếc T100 - chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình màu và chiếc T200 - chiếc điện thoại đầu tiên có cơ chế tự động đóng mở nắp. Tháng 1/2003, Samsung T500 - chiếc điện thoại đầu tiên dành cho phái nữ có gắn 32 viên đá Swarowski. Đến tháng 2/2003, Samsung S300 - chiếc điện thoại đầu tiên có 2 màn hình bên trong và bên ngoài đều là màn hình mầu.

Kieu dang DTDD qua cac thoi ky phat trien

Tháng 5/2003, LG tung ra chiếc LG 7070, đây là chiếc điện thoại vỏ sò đầu tiên có thể xoay nắp trên quanh một trục được gắn giữa khớp nối 2 phần của điện thoại (xem hình). Chiếc Samsung P400 cùng loại cũng được tung ra 1 tháng sau đó.

Năm 2005, Nokia cho ra mắt thế hệ điện thoại nắp gập mới với tính năng chụp ảnh cải tiến chưa từng có trước đó. Điểm đặc biệt của chiếc điện thoại này là bộ phận camera được đặt ở trên đầu và có thể xoay được tới 270 độ. Điều này cho phép người sử dụng thay đổi góc nhìn trong khi chụp. Bạn không cần phải di chuyển điện thoại để lấy cảnh chụp. Chỉ cần xoay bộ phận camera là có thể lấy được góc cảnh mong muốn, đó là model N90. Sau đó, Nokia tiếp tục giới thiệu sản phẩm N92 - chiếc điện thoại đầu tiên hỗ trợ khả năng xem tivi. Đặc biệt, màn hình của chiếc điện thoại này không những có thể xoay như bình thường mà còn có thể gập qua một bên, cho phép vừa sử dụng bàn phím, vừa xem màn hình ở chế độ landscape (màn hình ngang).

Điện thoại nắp trượt

Điện thoại nắp trượt - ban đầu được định nghĩa là chiếc điện thoại có 2 phần bằng nhau trượt tương ứng ngược chiều nhau. Bình thường khi nó đóng lại, bạn chỉ nhìn thấy màn hình, khi kéo trượt ra, bạn sẽ sử dụng thêm được bàn phím. Cơ chế lò xo lắp trong những chiếc điện thoại này cho phép quá trình trượt mở ra hoặc đóng lại rất nhẹ nhàng và trơn tru. Và bây giờ chúng ta quen gọi nó là kiểu dáng slide-up. Chiếc điện thoại nắp trượt đầu tiên được Siemens tung ra vào năm 1998, Siemen SL10. Năm 2002, Nokia cũng tung ra sản phẩm nắp trượt - N7650.

Tuy nhiên, Samsung mới là công ty đi tiên phong trong việc mở rộng thị trường đôi với sản phẩm điện thoại nắp trượt, đặc biệt tại thị trường Châu Âu. Samsung bắt đầu tham gia phân đoạn thị trường này vào năm 2003 và ngày nay, họ đã có vị trí áp đảo trong thị trường cho các loại điện thoại nắp trượt.

Tháng 2/2007, Motorola giới thiệu mẫu thiết kế điện thoại trượt mới - Motorola Z8 - trong đó 2 phần của chiếc điện thoại khi trượt ra sẽ theo một đường cong áp theo khuôn mặt (fit-to-face)

Ý tưởng thiết kế này thực tế là không hề mới. Ngay từ tháng 9/1996, Nokia đã từng giới thiệu chiếc N8110 có thiết kế tương tự và đã nổi danh lừng lẫy với dòng sản phẩm cao cấp 89xx và 88xx.

Kieu dang DTDD qua cac thoi ky phat trien

Dự đoán mẫu thiết kế trong tương lai

Không dễ dàng gì để đoán được các nhà sản xuất sẽ tung ra các mẫu điện thoại gì trong những năm tới. Nhưng có lẽ tất cả các mẫu điện thoại mới cũng chỉ là sự thêm bớt và cải tiến các chức năng và hình dáng.

Hãng Sony Ericsson đã đệ đơn sáng chế cho một mẫu thiết kế mới gọi là Flipper - với phần nắp trên chứa màn hình được thiết kế như một trục quay và do đó màn hình có thể quay xung quanh một khung. Samsung cũng nhận được bằng sáng chế với kiểu thiết kế cho phép 2 phần của điện thoại quay toàn phần (360 độ) quanh một bản lề.

Có thể nói, bạn dễ dàng nhận thấy, các thiết kế mới này không đưa ra được sự thay đổi căn bản nào. Chúng ta chỉ hy vọng những tiến bộ về vật liệu và vi mạch trong thời gian tới sẽ cho phép người sử dụng nghĩ tới viễn cảnh những chiếc điện thoại có khả năng tháo lắp, thay đổi hình dạng theo ý muốn của người sử dụng. Và đó có lẽ là xu hướng thiết kế điện thoại trong tương lai.

( - Theo eChip Mobile SE)


Thủ công mỹ nghệ VN yếu về thiết kế kiểu dáng

Hàng thủ công mỹ nghệ là một thế mạnh của Việt Nam. Xuất khẩu mặt hàng này mang lại giá trị thực thu rất cao. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang có rất nhiều hạn chế mà điểm đầu tiên cần cải tiến để tạo sự đột phá chính là khâu thiết kế kiểu dáng sản phẩm.


Điểm yếu về thiết kế kiểu dáng

Thu cong my nghe VN yeu ve thiet ke kieu dang
Chậm thay đổi về thiết kế kiểu dáng làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng thủ công Việt Nam.

Trong một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho thấy: Thủ công mỹ nghệ Việt Nam yếu nhất ở hai khâu thông tin thị trường và kiểu dáng mẫu mã. Khảo sát đã chỉ ra rằng, khi mà thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển ngày càng bão hoà với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì sản phẩm có giá rẻ là chưa đủ để thoả mãn nhu cầu khách hàng, chưa tạo ra được sức cạnh tranh.

Minh hoạ điều này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: ba năm trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam rất được người nhật ưa chuộng do tính chất mới lạ và rẻ nhưng đến nay, sức hấp dẫn đã bị giảm nhiều mà nguyên nhân chính là trong suốt thời gian qua rất nhiều mẫu mã chúng ta đã không có sự thay đổi. Chính điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam và nếu không có những thay đổi kịp thời xuất khẩu thủ công mỹ nghệ sang thị trường này có thể bị ảnh hưởng.

Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ là một thế mạnh với kim ngạch năm 2005 dự kiến đạt khoảng 500 triệu USD, Nhưng đến nay, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường nhất là nghiên cứu thị trường dành riêng cho tạo mẫu và thiết kế. Hệ quả của việc này là rất nhiều hàng thủ công Việt Nam không có những công dụng rõ nét và chưa hướng tới những thị trường cụ thể.

Ông Robert Webster - Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng: việc tạo ra những mẫu mã riêng, phù hợp với nhu cầu thị trường là cách tốt nhất để khẳng định mình và khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ. Đây chính là năng lực cạnh tranh đích thực. Ông Robert Webster nhấn mạnh, giá cả tuy rất quan trọng nhưng một chiến lược giá thấp là không có tính bền vững vì trên thế giới luôn có những người chỉ cần thông qua biến động về tỷ giá ngoại hối đã có khả năng cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn.

Một điểm yếu khác của hàng thủ công Việt Nam là quy mô sản xuất nhỏ. IKEA là một hãng phân phối đồ nội thất hàng đầu thế giới đang có mặt ở Việt Nam hơn một năm nay để thu mua đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, nhưng vẫn chưa tìm được các doanh nghiệp sản xuất lớn để làm đầu mối cung cấp lâu dài. Đơn đặt hàng của các hãng phân phối quốc tế luôn yêu cầu một khối lượng lớn, trong một thời gian giao hàng nhất định trong khi đa số các sản xuất thủ công Việt Nam vẫn còn nhỏ chủ yếu sản xuất hộ gia đình trong các làng nghề...

Thay đổi quan niệm về thiết kế

Thu cong my nghe VN yeu ve thiet ke kieu dang
Thiết kế cần đề cao tính thương mại và khả năng ứng dụng của sản phẩm.

Mặc dù chưa có một nghiên cứu nào về hiện trạng thiết kế kiểu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhưng một số chuyên gia cho rằng: doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn cho thiết kế kiểu dáng. Bởi vì, nếu kéo dài tình trạng sao chép kiểu dáng sẽ gặp rắc rối về vấn đề pháp lý, còn chỉ làm theo mẫu mã của các nhà nhập khẩu nước ngoài thì giá trị mang lại rất nhỏ nhoi.

Vì vậy, bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng: để khẳng định vị trí của thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thương trường thì công tác thiết kế kiểu dáng, mẫu mã riêng của doanh nghiệp cần phải hết sức coi trọng, trong đó cần đề cao tính ứng dụng, khả năng tiếp cận thị trường và cả việc sản xuất với khối lượng lớn.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân, các doanh nghiệp Việt Nam thường đề cao tính nghệ thuật, sự độc đáo, ý nghĩa văn hoá của sản phẩm, các thiết kế sản phẩm mang tính "độc nhất" và "của riêng mình" riêng mình luôn được đề cao trong khi đó khả năng ứng dụng và tính thương mại chưa được chú ý nhiều.

Ông Robert Webster cho rằng, khi nói đến thiết kế của ngành thủ công mỹ nghệ, chúng ta không chỉ nói về tính hấp dẫn, độc đáo mà chúng ta cần nói về tính thương mại của thiết kế, có nghĩa là thiết kế sản phẩm được đánh giá bởi thị trường mà nó hướng tới. Điều này không có nghĩa thiết kế của sản phẩm có thể kém hấp dẫn, kém độc đáo và không quan trọng về mặt văn hoá. Tuy nhiên, một thiết kế hấp dẫn về sự độc đáo và tính văn hoá nếu không được thị trường chấp nhận thì không trở thành một thiết kế có tính thương mại.

Vì vậy, ông Robert Webster cho rằng, các nhà thiết kế Việt Nam hãy quan tâm nhiều hơn tới những thiết kế có tính thương mại, tìm hiểu kỹ về thị trường mà thiết kế sản phẩm đang hướng tới. Một sự kết hợp tốt giữa tài năng độc đáo của nhà thiết kế với những hiểu biết về thị trường sẽ giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá cao và được trả giá cao hơn và tạo ra sự bền vững trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Thế Hoàng, Giám đốc sáng tạo Công ty LP Design cho rằng: đối với thị trường các nước phát triển, hàng thủ công mỹ nghệ mang tính thời trang rõ nét. Vì vậy, những nhà sản xuất nên đầu tư nhiều hơn cho khâu nghiên cứu thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ kể cả nhũng doanh nghiệp có nhiều nghệ nhân giỏi cũng nên xây dựng một đội ngũ hoạ sỹ tạo mẫu chuyên nghiệp và thường xuyên đầu tư để đội ngũ này nâng cao chuyên môn và cập nhật kiến thức về thị trường để phục vụ cho việc sáng tạo mẫu mã có chất lượng cao hơn.

Nguyên Phong (việtnamnet)

Ai là người thật sự đưa ra quyết định tiêu dùng hiện nay?



Những con số tôi sắp tiết lộ sau đây chắc hẳn sẽ làm cho các bạn giật mình ngạc nhiên!!!
Bạn có biết rằng đến 67% quyết định mua xe hơi của các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi những gì được gọi là “lời khuyên” của con trẻ - những người thậm chí chưa đến tuổi lái xe - hay không? Và tôi chắc rằng bạn cũng không tưởng tượng được rằng 62% loại điện thoại di động và 65% nhãn hiệu quần áo được các bậc cha mẹ mua về là do tác động của ý kiến đóng góp từ con cái.


Có thể bạn cho rằng chỉ có bọn nhóc ở Mỹ mới nhiêu khê nhiễu sự đến vậy, nhưng thực tế là cả ở những quốc gia như Ấn Độ, Nhật, Brazil, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Thái Lan và Đan Mạch, quyết định tiêu dùng của các bậc phụ huynh đều bị chi phối bởi “chính kiến” của bọn trẻ.

 

Những con số nêu trên được trích từ công trình nghiên cứu toàn cầu về trẻ em và mối quan hệ của chúng với thương hiệu, là cơ sở của tác phẩm BRANDChild (đồng tác giả Martin Lindstrom và Patricia Seybold). Thế hệ trẻ đang dần dần khẳng định vị trí này được các tác giả gọi là tween (thế hệ trung gian) nằm trong độ tuổi 8-14.

 

Viện nghiên cứu Millward Brown đã tiến hành thăm dò ý kiến của hàng ngàn trẻ em ở 70 thành phố và 14 quốc gia khác nhau. Trong số những phát hiện bất ngờ thú vị này, người ta thấy được rằng các quyết định lựa chọn thương hiệu càng ngày càng được quyết định nhiều hơn bởi những cô cậu ấm bé bỏng này. Điều này đúng với nhiều quốc gia và trong nhiều ngành hàng khác nhau, từ những món vặt vãnh như snacks, nước ngọt cho đến những thứ đắt tiền hơn như mỹ phẩm, đồ gia dụng, v.v.

 

Với những phát hiện mới này, giờ đây tất cả những thông điệp quảng cáo vốn chỉ hướng đến người lớn giờ cần phải được chỉnh sửa sao cho hấp dẫn đối với cả người lớn lẫn “người nhỏ”. Các chuyên gia tiếp thị cần phải dành thêm nhiều thời gian hơn để thu hút sự chú ý của cả hai đối tượng khác biệt này. Các thông điệp này phải hấp dẫn với những người lớn trực tiếp mua hàng và bọn trẻ - những người trực tiếp tác động đến quyết định tiêu dùng này.

 

Điều này có ý nghĩa gì với chiến lược quảng bá online của các doanh nghiệp? Bởi vì giờ đây mọi việc đã rõ rằng bạn sẽ tự đưa mình vào nguy hiểm nếu vẫn tiếp tục phớt lờ đối tượng khách hàng nhí này, do đó, bạn cần phải chỉnh sửa thông điệp của mình sao cho hấp dẫn đối với cả hai nhóm - một việc không dễ dàng nhưng bắt buộc phải là một phần trong website của bạn. Chúng ta đều biết rằng, có những chi tiết sẽ cuốn hút với các bậc phụ huynh và những chi tiết khác lại khiến cho bọn trẻ say mê, điều khó khăn là phải xác định được những chi tiết đúng cho từng nhóm đối tượng, và đưa vào webiste của mình, sao cho cả hai đối tượng đều tìm thấy những gì mình thích tại website, nhưng vẫn không làm mất đi tính thống nhất của thông điệp.

 

Có thể bạn nên đi theo cách chia website thành hai phần riêng biệt cho trẻ em và người lớn. Khi đó, bọn trẻ có thể tự do thoải mái khám phá website của bạn theo cách chúng thích. Nên nhớ sử dụng ngôn ngữ quen thuộc với bọn trẻ, và kết hợp hình ảnh đa dạng, hài hoà để thu hút sự chú ý của chúng.

 

Thăm dò của BRANDChild cho thấy những sản phẩm được trưng bày ở một khung cảnh chuẩn mực sẽ thu hút được sự quan tâm của các khách hàng lớn, trong khi các sản phẩm được giới thiệu trong bối cảnh tự nhiên sẽ được các em nhỏ quan tâm nhiều hơn. Nếu sản phẩm của bạn lệ thuộc khoảng 80% vào tác động của trẻ em, thì bạn nên kết hợp cả 2 hình thức giới thiệu sản phẩm. Nếu bạn bán xe hơi, bạn cần phải giới thiệu xe trong khung cảnh “tự nhiên” và đồng thời trong cả không gian “công nghệ cao” để bạn có thể trình bày các tính năng và đặc điểm của xe. Đối với hàng gia dụng cũng tương tự.

 

Điều quan trọng kế tiếp là cách sử dụng và phối màu. BRANDChild cho thấy một vài màu sắc có sức hấp dẫn hơn so với các màu còn lại. Điều này tùy thuộc vào ngành hàng và phông nền của thương hiệu. Và không thể bỏ qua một lưu ý rằng màu sắc phải cuốn hút với cả phụ huynh và trẻ em.

 

Hình thức tiếp thị song song này đang dần dần trở nên phổ biến hơn. Nhiều năm nay, Toyota ở Úc đã liên tục bán được nhiều xe nhất do biết sử dụng hình ảnh của những chú cún con, mèo con và trẻ em trong các quảng cáo vui nhộn của mình. Nghe thì có vẻ rất lạ nhưng thật sự đây là một cách quảng bá rất hiệu quả. Hẳn vài người trong chúng ta vẫn còn nhớ những chùm bong bóng nhiều màu sắc treo trước các đại lý xe hơi. Tuy chỉ là một thủ thuật nho nhỏ nhưng nó lại có tác động rất lớn đến cách ảnh hưởng của của bọn trẻ đối với quyết định tiêu dùng của bố mẹ chúng.

 

Tiếp thị đến trẻ em đòi hỏi nhiều công sức chứ không chỉ đơn thuần là tìm cách quấy rối, làm xao lãng sự chú ý của trẻ (và cả cha mẹ chúng). Để thành công cần phải tạo được sự cân bằng. Cần phải tuyệt đối chân thực. Cần phải hoàn thành tất cả những gì bạn hứa hẹn. Bọn trẻ ngày nay có thể phát hiện ra những lời hứa hão trong tích tắc. Trẻ em xứng đáng được hưởng tất cả những gì tốt đẹp nhất bạn có thể mang đến. Trẻ em chính là tương lai của chúng ta - và đồng thời cũng là những khách hàng tương lai của bạn.

 

Martin Lindstrom (An Nhiên - Công ty Thương Hiệu LANTABRAND - sưu tập và lược dịch từbrandchannel.com)

Chùm ảnh: Những thiết kế siêu tưởng

LA Design hãng độ xe nổi tiếng tại Los Angeles có một cuộc thi ý tưởng thiết kế hàng năm. Và lần này, đề bài là : Chiếc xe thể thao của năm 2025. Chúng ta đang có trong tay 9 bài dự thi của những nhà sản xuất lớn nhất thế giới

Audi R25

Chiếc R25 được thiết kế đặc biệt để tham gia giải đua Le Mans với nhiều cải tiến đặc biệt mà Audi nghĩ rằng nó sẽ phù hợp với đường đua của “tương lai”.


Hệ khung linh động  cho phép chiếc xe đáp ứng được những góc cua lớn hơn.


Chiếc xe sử dụng nhiên liệu sinh học và một động cơ điện qua một hệ thống truyền động “không trục”.


Vỏ xe có thể tự thay đổi để điều chỉnh dòng khí tạo sự cân bằng tối đa cho xe.

BMW Hydrogen Powered

Đừng tìm kiếm những ý tưởng siêu hiện đại, chiếc xe tốt nhất thực ra lại đến từ quá khứ -  đó là thông điệp của BMW mang tới cuộc thi này.


Lấy cảm hứng từ những chiếc xe đua huyền thoại của thập kỉ 30, Hydrogen Power mang trong mình những công nghệ tiên tiến nhất của BMW.


GM Chaparral Volt

Chiếc xe lấy cảm hứng từ 3 thành phần Đất, Gió và Lửa


Đất: Trọng lực và momen luôn tác động lên một chiếc xe, và chiếc xe nào giải quyết tốt nhất bài toán này, nó sẽ là người chiến thắng.


Gió: Được xây dựng từ mẫu xe Chaparral 2J huyền thoại, chiếc xe có hệ thống làm mát bằng cột khí, kết hợp giữa hệ thống phanh và hệ thống tái thu hồi năng lượng.


Lửa: Với những tấm phim PV trên thân xe, năng lượng mặt trời nhận được sẽ cung cấp thêm năng lượng cho chiếc xe.

Honda The Great Race 2025


Năm 1908, 17 người đàn ông đã thực hiện một chuyến hành trình gian nan nhất qua 6 tháng, 22 nghìn dặm và 3 lục địa. Lịch sử đã ghi nhận đó là một cuộc đua vĩ đại Great Race. 117 năm sau, chiếc Great Race lại hồi sinh: mạnh mẽ hơn bao giờ hết.


Để tái hiện lại hành trình năm 1908, chiếc Great Race là chiếc xe duy nhất trình bày cả 3 phương án phương tiện trên bộ, phương tiện bay và ca nô.



Mazda Kaan

Dường như, đến tận năm 2025, Mazda vẫn trung thành với phong cách zoomzoom. Với động cơ điện, Mazda hi vọng chiếc xe có thể đạt tốc độ 400km/h.




Mitsubishi MMR25

Đây có lẽ là chiếc xe gây shock nhất tại cuộc thi, không phải là xe đua, mà là một chiếc xe đa địa hình, không phải là 4x4 mà là tận “8x4”, nghĩa là chiếc xe có thể đi theo 1 hướng trong khi vẫn đang quay theo một hướng khác.


 



Mercedes-Benz Formula Zero

Tiếp nhận di sản của đội đua Mercedes từ những năm 30, chiếc Formula Zero được thiết kế để tận dụng triệt để sự dẫn động từ động cơ điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió từ cánh buồm lớn. 


Toyota Lemans Racer


Là một trong những chiếc xe được thiết kế theo phong cách “khó hiểu”, thật khó mà tưởng tượng được rằng chiếc xe này lại có thể đạt vận tốc 560km/h như Toyota quảng cáo.


Volkswagen Bio Runner 

Chiếc xe off-road thứ 2, sẽ không có gì đáng nói nếu như Volkswagen không chế tạo cả một chiếc trực thăng chỉ để “cắp” chiếc Bio Runner. 




Xa hơn cả Concept, đó là cuộc thi để những nhà thiết kế thả hồn theo những ý tưởng của mình, còn các công ty, họ trang bị cho xế cưng của mình những trang bị ... hiện vẫn đang còn trên giấy. Phần lớn trong số chúng là quá xa vời, nhưng biết đâu, 10 năm nữa, nhân loại sẽ được ngồi trong những chiếc xe giống như thế này.

Theo bạn, chiếc xe nào ấn tượng nhất?

Theo Autoblog

Dàn xe Mercedes GLK “độ” tại SEMA 2008

Triển lãm SEMA 2008 đã chính thức khai mạc ngày 4/11 ở “sòng bạc của thế giới” Las Vegas và tại đây xuất hiện 4 phiên bản độc đáo của mẫu Mercedes-Benz GLK

Các hãng “độ” xe đã cho ra đời nhiều phiên bản khác nhau từ một nguyên bản là mẫu SUV Mercedes-Benz GLK350, động cơ V6 3.5L công suất 268 mã lực, sử dụng hệ dẫn động 4 bánh 4MATIC AWD.

BRABUS Widestar


Brabus, hãng chuyên “độ” xe Mercedes của Đức, đem đến SEMA 2008 mẫu Widestar mà họ miêu tả là một “bộ cánh” lớn được thiết kế riêng cho GLK. Brabus dự kiến sản xuất đại trà bộ body kit này để bán ra thị trường.

Phần phình ra ở phía trước và sau thân xe, ôm lấy bánh xe sử dụng lazăng cỡ lớn - 21 inch, được làm rộng hơn; còn cản trước và sau mang nét đặc trưng của Brabus. Cụm đèn pha sử dụng đèn điốt phát quang LED đem đến nét hiện đại hơn cho GLK.

Động cơ 320 BlueTEC mới cho công suất 258 mã lực và mô-men xoắn 450 lb-ft, cho phép chiếc Widestar tăng tốc 0-100km/h chỉ trong 6,9 giây và đạt tốc độ cực đại 240km/h. Tính năng vận hành cao, nhưng Widestar có mức tiêu thụ nhiên liệu khá khiêm tốn - 8,4 lít/100km.

Nội thất xe cũng được làm lại, bọc da màu rượu cô-nhắc. Da bọc ghế, ốp phía trong cửa và sàn xe được may trần chéo. Trần xe bọc chất liệu alcantara, nội thất ốp gỗ màu đen. Tất cả đem lại nét sang trọng cho chiếc xe.

Vô lăng kiểu kiểu thể thao và bàn đạp nhôm tạo cảm giác thú vị cho người lái. Hệ thống giải trí đa phương tiện đi cùng một cặp màn hình LCD 7".

RENNtech Rally Racer

Rally Racer là chiếc xe được hãng RENNtech “độ” từ Mercedes GLK nhưng lại mang màu da cam đặc trưng của xe Dodge.


Hãng RENNtech chủ yếu tập trung vào tính khi động học của Rally Racer, để chiếc xe thực sự phù hợp với việc mọi địa hình đua. Chiếc xe có trọng lượng được phân bổ theo tỷ lệ hoàn hảo 50:50, sử dụng hệ thống phanh 5 chấu ‘Sniper Gray’ 20-inch của RENNtech, giúp xe có thể vận hành tốt trên cả đường đua địa hình lẫn đường phố.

Đặc biệt, RENNtech còn quyết định ứng dụng công nghệ hybrid cho chiếc Rally Racer, với một mô-tơ điện 72V NiMH kết hợp với động cơ xăng V6 3.5L công suất 350 mã lực. Với sự hỗ trợ của mô-tơ điện, chiếc xe có lực mô-men xoắn cực đại tăng thêm 40 lb-ft.

Boulevard Customs Urban Whip

Hãng “độ” xe Boulevard Customs ở tiểu bang Florida của nước Mỹ đem tới Triển lãm SEMA 2008 mẫu Urban Whip. Giống như mẫu thứ nhất, Widestar, chiếc xe này cũng có bộ bodykit lớn, nhưng được “độ” thành xe mui trần. Điểm nổi bật nữa ở ngoại thất là bộ la-zăng Asanti 26” đi cùng hệ thống phanh Brembo, còn ở nội thất là dàn âm thanh stereo công suất lớn 5,700W JL Audio.



The Four Corners Rock Crawler

Cuối cùng, hoàn thành bộ sưu tập 4 mẫu concept “độ” từ Mercedes GLK là chiếc The Four Corners Rock Crawler của công ty Legendary Motor Cars. Một trong những điển nổi bật của chiếc xe là hệ thống “Grinch Winch” chạy bằng xăng, giúp đẩy ván trượt bên cạnh xe di chuyển với vận tốc lên tới 50km/h:


LenDuong.VN (Theo MotorAuthority)

Mercedes “nẫng” nhà thiết kế của BMW

(Dân trí) - Có vẻ như bộ phận thiết kế của Mercedes-Benz đang ồ ạt tiếp nhận tài năng mới, còn BMW thì ngược lại, chứng kiến sự ra đi của những nhà thiết kế giỏi nhất, đầu tiên là Chris Bangle và giờ đây tới lượt Karim Habib. 


Karim Habib, nhà thiết kế ngoại thất cho mẫu BMW 7-series phiên bản mới, đã không cưỡng lại được sức hấp dẫn từ lời mời của Mercedes-Benz. Anh sẽ về đầu quân cho bộ phận thiết kế cao cấp của Mercedes ở Stuttgart, Đức.

 

Habib sẽ làm việc dưới sự điều hành của giám đốc thiết kế mới của Mercedes-Benz là Gorden Wagener.

 

Hồi tháng 1, Joel Piaskowski cũng đã từ bỏ vị trí giám đốc thiết kế của Hyundai tại Bắc Mỹ để về lãnh đạo studio thiết kế của Mercedes-Benz ở gần Carlsbad, tiểu bang California (Mỹ).

 

Tên tuổi Piaskowski thực sự nổi lên từ sau khi chịu trách nhiệm thiết kế chính cho xe Hyundai Genesis (cả phiên bản sedan và coupe). Ông đã có 13 năm gắn bó với General Motors (GM) trước khi về Hyundai vào năm 2003.

 

Với BMW, cách đây chưa lâu, giám đốc thiết kế Chris Bangle cũng đã tuyên bố rời BMW và cũng là rời khỏi ngành công nghiệp ô tô để theo đuổi những hoài bão riêng. Ông được coi là một trong những nhà thiết kế ô tô tài năng nhất thế giới. Chưa lấy lại được cân bằng sau khi mất Chis Bangle, giờ đây BMW tiếp tục phải chứng kiến sự ra đi của Karim Habib. Tệ hơn, Habib lại về đầu quân cho đối thủ của BMW là Mercedes-Benz.

 

Theo chuyên trang Autocar, tới đây Habib sẽ chịu trách nhiệm thiết kế các xe thuộc dòng F-series của Mercedes. Một thông tin cho những ai chưa biết nhiều về Karim Habib: anh là trưởng nhóm thiết kế mẫu BMW CS Concept gây rất nhiều chú ý tại Triển lãm ô tô Thượng Hải 2007.


Về tiểu sử, Habib đã có bằng kỹ sư cơ khí của Đại học McGill, sau đó theo học Trường Nghệ thuật thiết kế ở Thụy Sĩ.

 

Ngay sau khi tốt nghiệp, anh đã nhận được lời mời về làm việc cho tập đoàn BMW. Tại đây, anh hợp tác chặt chẽ với giám đốc thiết kế Chris Bangle.

 

Sau khi Chris Bangle rời BMW, để lại vị trí giám đốc thiết kế cho Adrian Von Hooydonk, những tưởng Habib cũng sẽ được BMW cất nhắc và gánh vác thêm nhiều trách nhiệm mới. Nhưng anh đã quyết định theo chân “tiền bối”, rời bỏ BMW để tìm kiếm cơ hội mới.