Ngày càng có những phát minh và ứng dụng mới với tiêu chí bảo vệ môi trường sống. Thị trường hiện có một loại “banh giặt sinh học” được giới thiệu là có khả năng thay thế bột giặt – vốn là hoá chất để giặt quần áo.
Theo nhà sản xuất, thời gian sử dụng banh sinh học có thể đạt đến ba năm. (Ảnh: Anh Vũ)
Banh giặt sinh học tác động ra sao?
Ông Bùi Trường Sơn, phó giám đốc công ty Sao Thiên Nhiên, nhà phân phối banh giặt sinh học Biowash cho biết: “Những viên gốm nhỏ bên trong banh giặt sinh học có tác dụng chia nhỏ các phân tử nước, chất bẩn, dầu và các chất béo (dầu thức ăn), nhiêu liệu (xăng, dầu…) và cùng làm tăng hoạt động cho phân tử nước, khiến nước thấm sâu vào các sợi vải, làm cho chất bẩn mất dần liên kiết và giảm khả năng bám dính trên quần áo. Bên cạnh đó, quá trình sẽ tạo ra các lực hút ion có môi trường pH 10 (giống bột giặt) đánh bật các vết bẩn và giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn bám trên quần áo, khử mùi hôi”.
Theo tài liệu của tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 – Quatest 1 có ghi: “Banh giặt sinh học sau khi kiểm định giặt thử vải trắng (độ trắng ban đầu là 73,39%) với hai banh giặt thì đạt kết quả về độ trắng là 73,74%, còn khi dùng với bột giặt thông dụng là 73,71%”. Như vậy về thử nghiệm thì sản phẩm đạt hiệu quả. Tuy nhiên khi ứng dụng trong thực tế, có nhiều ý kiến khác nhau.
Chị Thanh Trang, quận Thủ Đức nhận xét: “Trước đây gia đình tôi thường mua bột giặt dạng xô lớn hơn chục ký ở các siêu thị, nhưng từ ngày được người thân tặng cho dùng thử banh giặt sinh học thì tiết kiệm được khá nhiều bột giặt và nước xả vải”. Tuy nhiên dùng nhiều mới phát hiện, để banh giặt hiệu quả thì phương pháp giặt đồ khác hẳn so với khi dùng bột giặt. Trước đây, thói quen giặt đồ của gia đình là phân loại quần áo, kế đến bỏ vào máy giặt, bỏ bột giặt và nhấn nút. “Còn khi dùng với banh giặt thì phải ngâm quần áo trong nước khoảng 10 phút, đồ quá dơ thì phải vò tay thêm rồi mới cho vào máy giặt, bỏ banh giặt vào và nhấn nút”, chị Trang nói.
Chị Kim Ngân, quận 10 cho rằng: “Mình dùng banh giặt chừng một năm nay, và vẫn giữ thói quen giặt đồ cho banh giặt vào nhưng thêm khoảng 20g bột giặt để giặt chung, cũng dùng chế độ giặt ngâm thì quần áo mới sạch sẽ. Tuy nhiên, sau một năm thì hình như banh đã mất tác dụng nên không còn sử dụng nữa”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Thanh Huyền ở Hà Nội chia sẻ: banh giặt có hiệu quả nhưng nếu quần áo quá bẩn thì nên cho một ít bột giặt vào. Tuy vậy, đồ của trẻ con thì cần phải giũ hết những thứ bám bẩn và ngâm bột giặt sơ qua độ 15 – 20 phút rồi mới giặt chung với banh giặt thì mới sạch. “Cổ áo sơmi của ông xã thì phải ngâm trong nước có hòa thêm một ít bột giặt sau 15 phút, vò tay, rồi cho vào máy giặt mới sạch được”, Thanh Huyền nói.
Và hiệu quả như thế nào?
Lý giải về những trường hợp trên, ông Sơn cho biết: bột giặt là dùng hoá chất để tẩy rửa nên khi hoà tan trong nước sẽ tạo ra một môi trường giặt giũ hiệu quả tức thời, nhanh chóng. “Tuy nhiên khi dùng bột giặt sẽ thải ra một lượng nước thải ảnh hưởng đến môi trường”, ông Sơn nói. Trong khi đó banh giặt sinh học là sử dụng các phản ứng thuộc tính chất hoá lý nên thời gian tạo nên môi trường giặt giũ chậm hơn. Do vậy khi giặt đồ với banh giặt đòi hỏi phải ngâm trong nước một khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra còn hai yếu tố khác ảnh hưởng đến banh giặt sinh học chính là nguồn nước và máy giặt. Do loại banh này được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu nên kiểm định với một nguồn nước ổn định, đúng chuẩn, “còn tại Việt Nam sử dụng quá nhiều nguồn nước khác nhau như nước giếng, nhiễm phèn, mặn… nên banh giặt bị mất tác dụng một phần vì phải “xử lý” thêm vấn đề nước và quần áo cùng lúc”. Ngoài ra, máy giặt thông dụng hiện nay được thiết kế theo một lập trình chỉn chu chuyên dùng với bột giặt “nên đây cũng là nhược điểm khi dùng với banh giặt sinh học”.
PGS.TS Hà Thúc Huy, bộ môn hoá lý, trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM nhận định: “Về mặt hiệu quả sử dụng, thì sản phẩm banh giặt là khá tốt, không thua kém gì phương pháp giặt bằng bột giặt”. Bên cạnh đó, banh giặt lại có một ưu điểm là thân thiện môi trường (không dùng hoá chất tẩy rửa). Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, thì “những thông tin về cơ chế hoạt động của banh giặt sinh học cần phải có thêm những thông tin chi tiết ” về mối liên hệ giữa các cấu tử có trong ceramic (gốm) với tính chất hoá lý tạo nên quá trình tẩy rửa cho quần áo. “Khi đó mới có kết luận về cơ sở khoa học của nó”, ông Huy nói.
Cũng theo một tài liệu nước ngoài mà PGS.TS Huy cung cấp thì banh giặt sinh học là phương pháp giặt giũ mới thân thiện với môi trường và được các nước ở khu vực châu Âu, châu Mỹ sử dụng khá rộng rãi. Tuy nhiên, thời gian sử dụng của banh giặt có thể khó lòng đạt được đến 1.000 lần giặt. Vì các nhà khoa học đã làm nhiều phép thử nghiệm, thực nghiệm thì sau khoảng 150 lần giặt đồ (tương ứng khoảng sáu tháng sử dụng) thì khả năng giặt của banh giảm xuống khoảng 20%. Và số lần sử dụng càng tăng thì khả năng của banh giảm càng nhiều.