10/4/09
Kiểu dáng ĐTDĐ qua các thời kỳ phát triển
Ngay từ những ngày đầu, tất cả những chiếc ĐTDĐ đều có cùng một kiểu dáng, với kích cỡ trung bình khá lớn. Chiếc ĐTDĐ đầu tiên do Dr. Martin Cooper phát minh, được hãng Motorola sản xuất vào năm 1973. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Dr.Cooper đã nói rằng thiết bị cầm tay đầu tiên này có hình dạng tương tự một viên gạch, với trọng lượng 0,82 kg, mặc dù trọng lượng thiết kế ban đầu là 1kg. Ý tưởng chế tạo điện thoại di động đến với Martin Cooper từ cuối thập niên 60 khi ông xem bộ phim Start Trek. Trong bộ phim này có hoạt cảnh con người sử dụng các thiết bị không dây để liên lạc, trao đổi với nhau. Có lẽ nếu Start Trek không được trình chiếu rộng rãi trên khắp thế giới vào cuối thập niên 60, thì điện thoại di động đã xuất hiện muộn hơn rất nhiều. Quá trình phát triển chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới diễn ra trong nhiều năm và chỉ cho tới tháng 2 năm 1973, nó mới chính thức hoàn thành và được đặt tên là DynaTac. Trong suốt quá trình phát triển, Dr. Cooper luôn giữ nguyên quan điểm về kích thước chuẩn của một chiếc điện thoại di động, mặc dù kỹ thuật thời bấy giờ hoàn toàn không cho phép ông có thể tạo ra chiếc điện thoại với kích cỡ nhỏ như những chiếc được những người hùng trong phim Star Trek sử dụng. Ngay từ năm 1973, Martin Cooper đã cho rằng, cùng với thời gian, những chiếc điện thoại di động sẽ trở nên nhỏ hơn, và thời gian đã chứng minh nhận định chính xác đó của ông. Phụ trách thiết kế về kiểu dáng lúc đó là ông Rudy Krolopp, giám đốc thiết kế công nghiệp của Motorola,. Ông và nhóm của mình trước đó không hề có một hình mẫu nào để tham khảo. Hơn thế nữa, Martin Cooper đã đặt ra một thời hạn rất chặt: trong vòng 6 tuần, phải thiết kế chiếc điện thoại sao cho nó hoạt động trơn tru để ủy ban FCC kiểm tra. Mẫu thiết kế cuối cùng được nhóm của Rudy Krolopp quyết định ngay trong bữa tối tại một nhà hàng nằm sát công ty. Krolopp hồi tưởng lại: Chúng tôi đã gọi nó là cái giầy điện thoại, bởi vì trong nó hơi giống như một chiếc giầy nhỏ. Mặc dù vậy, ngay cả với kích cỡ này, nhóm của Krolopp vẫn gặp khó khăn trong việc bố trí thiết bị điện tử bên trong. Cuối cùng chiếc điện thoại di động đầu tiên DynaTac cũng được hoàn thành với kích cỡ 9 x 5 x 1,75 inch (22,8 x 12,7 x 4,45 cm), và nặng gần 1 kg. Thời gian một cuộc gọi tối đa là 35 phút và phải mất 10h để sạc đầy pin. Tại thời điểm năm 1973, kích cỡ này đã là một cuộc cách mạng, và thực tế thì nó đã có đầy đủ yếu tố của một chiếc điện thoại di động. Ngày nay, những chiếc điện thoại chúng ta đang sử dụng có kích cỡ trung bình 10 x 4 x 4,15 cm. DynaTac thực hiện cuộc gọi đầu tiên vào ngày 3/4/1973 tại New York. Dr Copper đứng ở một con phố gần Manhattan Hilton và trạm thu phát đặt tại nóc tòa nhà Burlington Consolidator (ngày nay là toà nhà Alliance Capital). Vào giờ khắc lịch sử của mình, Dr Cooper đã thực hiện cuộc gọi tới Joel Engel người đứng đầu một công ty là đối thủ cạnh tranh quyết liệt với Motorola vào thời kỳ đó. Cuộc trò chuyện có nội dung ngắn gọn như sau: Chào Joel - anh có đoán được tôi đang gọi từ đâu không? Joel, tôi đang gọi cho anh từ một chiếc điện thoại không dây thực sự, một chiếc điện thoại cầm tay. Tháng 4/1973, Motorola chính thức tung ra thị trường những chiếc điện thoại di động Dynatac của mình. Trong suốt 10 năm sau đó, Motorola đã nỗ lực không ngừng để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho hệ thống liên lạc không dây và liên tục cải tiến kiểu dáng của điện thoại di động. Từ năm 1973 cho tới năm 1983, các kỹ sư của Motorola đã tạo ra 5 bản thiết kế của DynaTac, mỗi bản thiết kế sau lại nhỏ hơn, nhẹ hơn bản thiết kế trước, dù chức năng vẫn y hệt ban đầu. Cuối cùng họ đã thành công trong việc rút kích cỡ của điện thoại xuống còn một nửa so với kích cỡ ban đầu, trọng lượng giảm từ 1 kg xuống còn 450 g. Khác với những nhà thiết kế, người tiêu dùng liên tưởng chiếc điện thoại di động giống những viên gạch hơn là những cái giầy. Năm 1983, giá của một chiếc Dynatac là 3.995 USD, biến nó trở thành một sản phẩm xa xỉ, tượng trưng cho địa vị cao trong xã hội. Hay nói cách khác, chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Mọi thứ thay đổi rất nhanh và biệt hiệu viên gạch đã trở thành một phần của lịch sử. Nghiên cứu lịch sử của Dynatac, chúng ta có thể thấy những xu hướng thiết kế chủ đạo mà giờ vẫn đúng đối với những chiếc điện thoại di động ngày nay, đó là: - Cấu trúc của điện thoại di động được thiết kế không bắt đầu từ một nguồn nào. Các kỹ sư phải nghĩ cách sắp đặt những thành phần nhất định vào trong một không gian cho trước, tìm mọi cách nghĩ ra những giải pháp phù hợp. - Tên gọi ban đầu được các nhà thiết kế đặt ra lại thường không được người tiêu dùng nhớ tới. Họ chỉ nghĩ đó là Viên gạch. Chỉ có một ngoại lệ là khi nhà thiết kế đặt tên sản phẩm gắn liền với một sản phẩm hoặc xu hướng thời trang nào đó, mà ví dụ tiêu biểu là điện thoại RAZR của Motorola. - Mỗi khi một kiểu dáng mới xuất hiện và bán chạy trên thị trường, nó sẽ được các nhà sản xuất khác bắt chước dù với mức độ ít hay nhiều. Ngày 21/9/1983, Motorola đã được FCC cấp phép cho chiếc Motorola DynaTac 8000X. Đây chính là chiếc điện thoại di động được thương mại hóa đầu tiên trên thế giới. Cũng từ đây, trang lịch sử kiểu dáng điện thoại di động bắt đầu. Kiểu Candy Bar Kiểu thiết kế phổ biến đầu tiên được người tiêu dùng gọi là Candy Bar - nghĩa là thanh kẹo. Với hình khối chữ nhật truyền thống, những chiếc điện thoại Candy Bar là một khối gắn chặt, không hề có một chi tiết nào có thể di chuyển được, ngoài trừ một chiếc ăng ten có thể kéo ra kéo vào. Sự xuất hiện của thuật ngữ: Thanh kẹo cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. Ban đầu chiếc DynaTac cũng như những chiếc điện thoại khác (ví dụ như chiếc Nokia Mobira City Man sản xuất năm 1987) đều có hình dạng chữ nhật với các góc nhọn. Năm 1991 Nokia đưa ra mẫu điện thoại đầu tiên cho mạng GSM với model Nokia 1011 - đây là chiếc điện thoại vẫn có thiết kế khối chữ nhật cổ điển nhưng các góc của nó được vuốt mềm, trông giống như những thanh kẹo. Sự tương phản giữa Thanh kẹo và Viên gạch cũng đánh dấu sự chuyển đổi giữa thế hệ mạng GSM và chuẩn mạng analog đã lỗi thời. Thuật ngữ Candy Bar thời kỳ này tượng trưng cho toàn bộ mảng thị trường điện thoại di động sử dụng hệ GSM. Năm 1985, Nhật Bản cũng đưa ra chiếc điện thoại cầm tay đầu tiên của mình, đây là một biến thế của chiếc điện thoại trong xe ô tô vốn được đặt trong một chiếc hộp nhỏ có dây đeo qua vai. Vì vậy mọi người thường hay gọi là shoulder phone tạm dịch là điện thoại đeo vai. Nó nặng 3 kg và thực sự chưa phải là một thiết bị di động. Thiết kế kiểu Thanh kẹo đã trở nên phổ biến đến nỗi đối với thế giới, việc thiết kế một kiểu dáng khác cho chiếc điện thoại di động dường như là một nhiệm vụ không thể thực hiện được. Mặc dù vậy, tháng 9/2004. Nokia chứng minh tất cả mọi người đã sai lầm, bằng việc tung ra chiếc điện thoại Nokia 7280. Thoạt nhìn, chúng giống như những Candy Bar nhưng dài hơn, chiều rộng hẹp hơn và không hề có bàn phím. Chúng được coi là những sản phẩm thời trang. Tháng 10/2005 Nokia đưa ra phiên bản Nokia 7380 vẫn kế thừa kiểu dáng của 7280 song với màu sắc và họa tiết bề mặt khác. Nokia 7380 có doanh thu không đáng kể và nhanh chóng biến mất khỏi thị trường. Người tiêu dùng thời trang vẫn ưa sản phẩm 7280 hơn. Một mẫu tương tự nhưng với bàn phím 2 cột được Công ty Haier tung ra vào năm 2003. Sản phẩm này có hình dáng gần giống với một chiếc máy thu âm. Trong khi Haier gọi đó là điện thoại bút bởi kích thước khá nhỏ và có hình thù như một cây bút. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng nhanh chóng bị người tiêu dùng quên lãng. Kiểu gập - vỏ sò Thế hệ tiếp theo là sự xuất hiện của điện thoại có nắp - một miếng nắp nhỏ đậy trên bàn phím để ngăn các phím bị bấm ngẫu nhiên. Rất nhiều người lầm tưởng Motorola là người đầu tiên sáng tạo ra thiết kế này. Thực tế, Motorola chỉ là công ty đầu tiên ứng dụng kiểu dáng này và các nhà sản xuất khác sau này bắt chước theo. Thiết kế nắp gập thực tế do phòng thí nghiệm Bell phát minh và được phát triển bởi tập đoàn GTE. Flip Phone được GTE sản xuất, là chiếc điện thoại thương mại đầu tiên có nắp gập lên ở phần phím bấm. Giống như những chiếc điện thoại bàn, mỗi khi mở nắp gập lên là có thể nhận cuộc gọi tới và đóng nắp gập lại tương tự như động tác dập máy. Lợi ích của chiếc điện thoại này rất rõ ràng, bạn có thể để nó ở bất kỳ đâu mà không lo bị nhận cuộc gọi hoặc quay số ngẫu nhiên, vì chiếc nắp rất khó có thể tự động bật ra. Những chiếc điện thoại có nắp gập xuống thường phổ biến hơn với loại có nắp gập lên. Samsung là nhà sản xuất chủ yếu các loại điện thoại có nắp gập. Vào thời gian này, điện thoại có nắp gập được coi như một sản phẩm thời thượng, nhiều nhà sản xuất phát triển đồng thời cả 2 mẫu điện thoại, có và không có nắp gập, ví dụ như Ericsson. Thời kỳ vàng son của các mẫu điện thoại có nắp gập là vào giữa thập kỷ 90. Vào thời kỳ này, tất cả các nhà sản xuất đều cho ra các phiên bản có nắp gập, nhu cầu với kiểu dáng này tăng liên tục. Dẫn đầu vẫn là Motorola, để đảm bảo thị phần của mình, tháng 3 năm 1994, Motorola tiến hành đăng ký độc quyền kiểu dáng nắp gập và họ nhận được đăng ký bản quyền có hiệu lực từ năm 1998 cho tới tận năm 2005 mới từ bỏ bản quyền này. Kiểu dáng này tồn tại được 10 năm. Hai sản phẩm cuối cùng của dòng điện thoại có nắp gập bàn phím là Ericsson T10s và T18s. Chính Motorola là hãng chấm dứt sự tồn tại của kiểu thiết kế này với sự ra đời của StarTac - chiếc điện thoại có hình dạng vỏ sò đầu tiên. Bắt đầu từ năm 1996, người tiêu dùng đã xôn xao bàn tán về một sản phẩm mới rất quyết rũ (hình dạng hoàn toàn mới, cả về kích cỡ lẫn chức năng). Nắp gập của chiếc Startac không chỉ ở phần bàn phím mà chiếm toàn bộ bề mặt chiếc điện thoại. Phần nắp gập chưa đựng cả màn hình, do đó làm kích cỡ chiếc điện thoại giảm hẳn. Tại thị trường Mỹ, Startac chiếm được thị phần rất đáng kể, thuật ngữ nắp gập chủ yếu được hiểu như là điện thoại vỏ sò - một kiểu thiết kế mà toàn bộ mặt trên của chiếc điện thoại có thể mở ra đóng vào. Motorola là người đi tiên phong trong việc sản xuất các thế hệ điện thoại có nắp gập. 7 năm sau ngày tung ra thị trường chiếc điện thoại có nắp gập bàn phím đầu tiên vào năm 1989, tháng 3/1996, cũng chính Motorola tung ra chiếc điện thoại kiểu vỏ sò đầu tiên, đặt tên là StarTac. Startac nhanh chóng gây ra một cơn sốt và trở thành sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường cho tới năm 2004, khi chiếc Motorola RAZR chiếc điện thoại vỏ sò có vỏ ngoài bằng kim loại được phát hành. Startac và RAZR đã xây dựng một kỷ nguyên mới cho Motorola. Bên cạnh vẻ ngoài quyến rũ, Startac có kích cỡ rất gọn so với những chiếc điện thoại trước đó và thường được so sánh với những chiếc máy nhắn tin. Trọng lượng của nó cũng rất đặc biệt - chỉ 88 g, do đó có thể nhét trong túi áo hoặc đeo ở thắt lưng. Mở hoặc đóng chiếc Startac không chỉ đơn thuần là một động tác, mà còn có thể dùng để thực hiện chức năng nghe hoặc dập máy. Điều này hơn hẳn các loại điện thoại nắp gập thế hệ trước. StarTac tự động trả lời cuộc gọi khi bật nắp. Với các loại điện thoại ngày nay thì bạn có thể tùy chỉnh bật hoặc tắt chức năng này. Với sự xuất hiện của Startac, điện thoại di động đã trở thành một thiết bị cá nhân thực sự, điều đó giải thích tại sao công nghệ báo rung (do hãng VibroCall phát minh) được ứng dụng vào điện thoại di động. Motorola và một số nhà sản xuất đã ứng dụng rộng rãi công nghệ báo rung trong thiết bị nhắn tin, nhưng trước đó chưa bao giờ có ý tưởng ứng dụng vào điện thoại di động. Motorola cũng là hãng đầu tiên bán trọn gói điện thoại kèm theo các phụ kiện như tai nghe hoặc pin phụ. Điều này bây giờ nghe có vẻ rất hài hước, nhưng vào thời kỳ đó (năm 1996) đã là một sự kiện rất đáng chú ý. Trong năm đầu tiên, Startac được bán với giá khoảng 3.000 USD. Cùng với thời gian, Startac được phát triển thêm nhiều phiên bản và tổng doanh số bán hàng lên tới 75 triệu chiếc - một kỷ lục vào thời kỳ đó. Startac đã trở thành một biểu tượng, xuất hiện liên tục trong các bộ phim, chiếm đầy các trang báo thời kỳ đó. Mặc dù Motorola là hãng đầu tiên đưa ra thiết kế kiểu vỏ sò, nhưng ngày nay, mỗi khi nhắc tới kiểu điện thoại này, người ta lại liên tưởng tới cái tên Samsung nhiều hơn. Lý do là các mẫu điện thoại vỏ sò của Samsung sau này hết sức thành công trên thị trường và đẩy cái tên StarTac đi vào quên lãng. Ngoài kiểu vỏ sò truyền thống, các nhà sản xuất đều cố gắng đưa ra nhiều mẫu mã thay đổi khác nhau. Tháng 5/2001, Hãng Samsung tung ra chiếc A300 - chiếc điện thoại vỏ sò đầu tiên có màn hình ngoài. Tháng 9/2001, Samsung A400 - được thiết kế với những đường cong mềm mại phục vụ đối tượng nữ giới xuất hiện. Tháng 6/2002, Samsung lại tung ra chiếc T100 - chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình màu và chiếc T200 - chiếc điện thoại đầu tiên có cơ chế tự động đóng mở nắp. Tháng 1/2003, Samsung T500 - chiếc điện thoại đầu tiên dành cho phái nữ có gắn 32 viên đá Swarowski. Đến tháng 2/2003, Samsung S300 - chiếc điện thoại đầu tiên có 2 màn hình bên trong và bên ngoài đều là màn hình mầu. Tháng 5/2003, LG tung ra chiếc LG 7070, đây là chiếc điện thoại vỏ sò đầu tiên có thể xoay nắp trên quanh một trục được gắn giữa khớp nối 2 phần của điện thoại (xem hình). Chiếc Samsung P400 cùng loại cũng được tung ra 1 tháng sau đó. Năm 2005, Nokia cho ra mắt thế hệ điện thoại nắp gập mới với tính năng chụp ảnh cải tiến chưa từng có trước đó. Điểm đặc biệt của chiếc điện thoại này là bộ phận camera được đặt ở trên đầu và có thể xoay được tới 270 độ. Điều này cho phép người sử dụng thay đổi góc nhìn trong khi chụp. Bạn không cần phải di chuyển điện thoại để lấy cảnh chụp. Chỉ cần xoay bộ phận camera là có thể lấy được góc cảnh mong muốn, đó là model N90. Sau đó, Nokia tiếp tục giới thiệu sản phẩm N92 - chiếc điện thoại đầu tiên hỗ trợ khả năng xem tivi. Đặc biệt, màn hình của chiếc điện thoại này không những có thể xoay như bình thường mà còn có thể gập qua một bên, cho phép vừa sử dụng bàn phím, vừa xem màn hình ở chế độ landscape (màn hình ngang). Điện thoại nắp trượt Điện thoại nắp trượt - ban đầu được định nghĩa là chiếc điện thoại có 2 phần bằng nhau trượt tương ứng ngược chiều nhau. Bình thường khi nó đóng lại, bạn chỉ nhìn thấy màn hình, khi kéo trượt ra, bạn sẽ sử dụng thêm được bàn phím. Cơ chế lò xo lắp trong những chiếc điện thoại này cho phép quá trình trượt mở ra hoặc đóng lại rất nhẹ nhàng và trơn tru. Và bây giờ chúng ta quen gọi nó là kiểu dáng slide-up. Chiếc điện thoại nắp trượt đầu tiên được Siemens tung ra vào năm 1998, Siemen SL10. Năm 2002, Nokia cũng tung ra sản phẩm nắp trượt - N7650. Tuy nhiên, Samsung mới là công ty đi tiên phong trong việc mở rộng thị trường đôi với sản phẩm điện thoại nắp trượt, đặc biệt tại thị trường Châu Âu. Samsung bắt đầu tham gia phân đoạn thị trường này vào năm 2003 và ngày nay, họ đã có vị trí áp đảo trong thị trường cho các loại điện thoại nắp trượt. Tháng 2/2007, Motorola giới thiệu mẫu thiết kế điện thoại trượt mới - Motorola Z8 - trong đó 2 phần của chiếc điện thoại khi trượt ra sẽ theo một đường cong áp theo khuôn mặt (fit-to-face) Ý tưởng thiết kế này thực tế là không hề mới. Ngay từ tháng 9/1996, Nokia đã từng giới thiệu chiếc N8110 có thiết kế tương tự và đã nổi danh lừng lẫy với dòng sản phẩm cao cấp 89xx và 88xx. Dự đoán mẫu thiết kế trong tương lai Không dễ dàng gì để đoán được các nhà sản xuất sẽ tung ra các mẫu điện thoại gì trong những năm tới. Nhưng có lẽ tất cả các mẫu điện thoại mới cũng chỉ là sự thêm bớt và cải tiến các chức năng và hình dáng. Hãng Sony Ericsson đã đệ đơn sáng chế cho một mẫu thiết kế mới gọi là Flipper - với phần nắp trên chứa màn hình được thiết kế như một trục quay và do đó màn hình có thể quay xung quanh một khung. Samsung cũng nhận được bằng sáng chế với kiểu thiết kế cho phép 2 phần của điện thoại quay toàn phần (360 độ) quanh một bản lề. Có thể nói, bạn dễ dàng nhận thấy, các thiết kế mới này không đưa ra được sự thay đổi căn bản nào. Chúng ta chỉ hy vọng những tiến bộ về vật liệu và vi mạch trong thời gian tới sẽ cho phép người sử dụng nghĩ tới viễn cảnh những chiếc điện thoại có khả năng tháo lắp, thay đổi hình dạng theo ý muốn của người sử dụng. Và đó có lẽ là xu hướng thiết kế điện thoại trong tương lai.( - Theo eChip Mobile SE)
No Response to "Kiểu dáng ĐTDĐ qua các thời kỳ phát triển"
Leave A Reply