31/7/10

Tái chế thiết bị điện tử Việc làm nhỏ, lợi ích lớn

Posted on Thứ Bảy, tháng 7 31, 2010 by Pro-ID group

Tái chế TBĐT giúp khôi phục các nguyên liệu cơ bản và sử dụng lại chúng,hạn chế ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.

Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, các thiết bị điện tử (TBĐT) - mà điển hình là điện thoại di động và máy tính xách tay - liên tục được cải tiến về kiểu dáng, tính năng và đặc biệt giá thành hợp lý hơn với nhiều đối tượng người dùng. Dĩ nhiên, vòng đời của các sản phẩm công nghệ cao này cũng ngắn hơn do áp lực "chạy đua" từ phía người dùng lẫn hãng sản xuất. Và hệ lụy không thể tránh khỏi của sự bùng nổ các TBĐT chính là lượng rác thải điện tử (e-waste) ngày càng gia tăng, từ đó gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cộng đồng.

Trong vài năm trở lại đây, công tác tái chế TBĐT đã qua sử dụng được nhiều tổ chức hoạt động vì môi trường cũng như các hãng sản xuất đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, các hãng cũng tập trung sử dụng nhiều nguyên vật liệu đã qua tái chế (recycled) hay có khả năng tái chế (recycleable) trong tương lai cũng như hạn chế sử dụng các nguyên liệu cần khai thác trực tiếp từ môi trường và gây hại cho sức khỏe của người dùng lẫn nhân viên trực tiếp sản xuất.

Tại sao phải tái chế?

Trước tiên, việc tái chế TBĐT giúp khôi phục các nguyên liệu cơ bản và sử dụng lại, hay nói cách khác là tái chế mang lại cuộc sống mới cho rác thải điện tử. Ngoài ra, bên cạnh khả năng giảm thiểu những tác động xấu đến “mẹ trái đất” và hạn chế các chất độc hại thải ra môi trường sống của nhân loại trong trường hợp TBĐT được đốt hay chôn tại các hố rác tập trung, việc tái chế TBĐT còn góp phần hạn chế tình trạng khai thác ào ạt các nguyên vật liệu quý trong tự nhiên và điều này không ít thì nhiều góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đang ngày càng cạn kiệt.

Lợi ích của việc tái chế

Khái niệm tái chế thường bao hàm 2 việc, đó là sử dụng lại (reuse) và khôi phục (recovery) các thành phần cũng như nguyên vật liệu đã được sử dụng trước đó để sản xuất ra TBĐT tương ứng.

Theo đó, các thành phần, linh kiện đã qua sử dụng trong TBĐT sẽ được giữ lại ở dạng chuẩn (hay nói đơn giản là nguyên bản của hãng sản xuất) để tham gia vào các quy trình thử nghiệm hay đánh giá sản phẩm, sửa chữa và tân trang các TBĐT tương thích khi cần thiết, hay thậm chí vài hãng sản xuất không minh bạch còn tái sử dụng các linh kiện này để sản xuất các sản phẩm mới khác. Trong khi đó, việc khôi phục sẽ giúp thu hồi các nguyên vật liệu cơ bản được chứa bên trong các thiết bị, linh kiện như kim loại, giấy, nhựa, kiếng, mạch in...

Vì tính phức tạp và nhiều công đoạn đòi hỏi phải được thực hiện trên các dây chuyền, máy móc hiện đại với chi phí đầu tư rất lớn nên thường thì mỗi nhà máy tái chế chỉ đảm nhận nhiệm vụ "hóa kiếp" cho một loại nguyên vật liệu cụ thể. Trong quá trình vận hành, các nhà máy tái chế phải đảm bảo không gây hại đến sức khỏe người dùng và môi trường mà đặc biệt là nguồn nước, do đó ngân sách đầu tư cho các hệ thống lọc gió, không khí và nước thải trong quá trình sản xuất tại các nhà máy này thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng vốn xây dựng cơ bản và chi phí vận hành.

Kỳ này, bài viết sẽ chia sẻ với các bạn quy trình tái chế ĐTDĐ và pin Lithium Ion tại nhà máy tái chế TBĐT TES-AMM (Singapore). Về cơ bản, một chiếc ĐTDĐ cần trải qua ít nhất các giai đoạn như tháo rời và phân loại các bộ phận/linh kiện, thu nhỏ kích thước và tái chế ra nguyên vật liệu thô thông qua những phương pháp thông dụng như tách rời hóa học (dùng cho kim loại quý), sàng (thường dùng để tách rời Coban và Lithium), nấu chảy (với kim loại có chứa sắt) hay ép (để tạo ra hạt nhựa). Trong khi đó, tái chế pin Lithium Ion dùng trong máy tính xách tay cũng phức tạp không kém với những giai đoạn cơ bản như tháo rời, phân loại, chuyển cell pin vào buồng chứa trơ (Inert Chamber) để nghiền, tách rời bằng phương pháp từ tính lẫn cơ học để thu được hỗn hợp kim loại có chứa sắt và không có chứa sắt.

Anh Khoa

No Response to "Tái chế thiết bị điện tử Việc làm nhỏ, lợi ích lớn"

Leave A Reply