6/12/10
Isophon: Thành công không trải hoa
Khởi nghiệp với việc kinh doanh biến tụ cho các thiết bị thu phát và radio điện tử từ đầu những năm 30, sau gần 80 năm thăng trầm, Isophon trở thành một hãng sản xuất loa danh tiếng với hàng trăm triệu sản phẩm đã được bán ra.
Nước Đức thời đó được coi là trung tâm công nghiệp của châu Âu, với sự hiện diện của rất nhiều tên tuổi lớn trong nền công nghiệp điện tử như Simens/ Klangfilm, Telefunken, Loewe Opta... Việc len chân vào một thị trường sản xuất linh kiện cho radio với những thương hiệu đã thành danh là rất khó. Sau những ngày tháng khởi nghiệp lận đận, các chủ nhân của Isophon bắt đầu tìm kiếm một hướng đi mới.
Roland Gauder nhà thiết kế chính các dòng loa của Isophon
Trái ngược với đà suy thoái của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần thứ nhất, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp radio và sản xuất các thiết bị nghe nhìn đã khiến cho ba chàng trai trẻ quyết tâm bắt tay vào lĩnh vực sản xuất loa. Họ nhận thức được sự cồng kềnh, bất tiện của các loại loa kèn đang được sử dụng phổ biến thời bấy giờ và muốn đi vào nghiên cứu sản xuất những sản phẩm gọn nhẹ, phù hợp với nhu cầu đại chúng. Ba người đã đăng ký sử dụng bản quyền phát minh loa điện động của Kellogg - Rice để thực hiện kế hoạch của mình. Năm 1930, các sản phẩm đầu tiên của Isophon lấy tên những ký tự Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma, Delta, Epsilon... đã xuất hiện trên thị trường và được đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu cho chuỗi thành công tiếp đó của một thương hiệu lớn.
Dần dần với từng cải tiến công nghệ, từng hợp đồng đuợc thực hiện, Isophon đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường, trở thành một nhà sản xuất loa lớn cũng như nhà cung cấp linh kiện chính cho các nhà sản xuất loa khác trên thị trường Đức và thậm chí cho cả châu Âu. Thành công của Isophon đánh dấu bằng hợp đồng độc quyền cung cấp loa cho thế vận hội Berlin 1937.
Trải qua một thời gian ngừng trệ do chiến tranh thế giới thứ hai, đến năm 1949, hãng Isophon ra mắt trở lại với sản phẩm loa đồng trục đường kính 10 inch, đặt tên là Ochester, phục vụ cho mục đích gia dụng và cung cấp cho các rạp chiếu phim. Sản phẩm này đã mang lại một thành công vang dội cho Isophon, do nó có một chất lượng âm thanh vượt trội so với các sản phẩm khác trên thị trường. Model này tiếp tục được hãng sản xuất cho tới tận những năm 80.
Một trong những khiếm khuyết lớn nhất về mặt công nghệ vào lúc bấy giờ là các loại loa bị giới hạn ở tần số cao, do giới hạn của nguồn âm analog và cũng do các nhà sản xuất không có đủ phương tiện để đo tần số ở những khu vực này. Isophon là hãng đi tiên phong trong việc mở rộng khu vực tần số cao của loa. Trong những năm 50, Isophon liên tiếp cho ra mắt các model loa tép tĩnh điện, cho phép dải cao đạt tới 20 KHz. Sản phẩm nổi tiếng "Isophon Bra", kết hợp giữa các loa tép và trung dạng kèn đã được sản xuất hàng loạt để cung cấp cho các hệ thống loa đòi hỏi độ nhạy cao và băng thông rộng.
Những năm 60, trào lưu hi-fi kéo theo sự phát triển bùng nổ của thị trường loa gia dụng. Hãng Isophon tập trung vào sản xuất các loại củ loa, màng loa có kích thước từ 1'' đến 20'' và các loại loa tép đom mềm để cung cấp cho các nhà sản xuất trên khắp thế giới. Hai thập kỷ 60 và 70 là thời kỳ cực thịnh của Isophon.
Tiếc rằng vào thời gian sau đó, hãng loa Isophon bắt đầu rơi vào giai đoạn thoái trào. Những sản phẩm hi-fi tiêu thụ chậm, buộc họ phải chuyển sang sản xuất loa xe hơi là chính. Giữa những năm 80, Isophon rơi vào quyền kiểm soát của Thomson, một tập đoàn điện tử hùng mạnh, từng sở hữu các thương hiệu lớn khác trong lĩnh vực hi-fi, như General Electric, RCA, Telefunken, Acoustic Research, Jensen, Advent, Dual... Lúc này Isophon gần như vắng bóng trên thị trường và đối tác chính của Isophon là các tập đoàn xe hơi như Volkswagen, Audi, General Motors.
Có thể nói 50 năm đầu trong lịch sử Isophon là một thời kỳ hướng tới phục vụ nhu cầu đại chúng. Số lượng sản phẩm của hãng này sản xuất đã đạt tới con số 70 triệu, vượt xa con số 50 triệu của hãng Lorentz danh tiếng. Tất nhiên, trong dòng sản phẩm bình dân của Isophon cũng có rất nhiều model xuất sắc. Cho tới nay một số model thuộc hàng vintage của Isophon vẫn tiếp tục được dân chơi trên khắp thế giới săn lùng. Có thể các sản phẩm đó sử dụng loại vật liệu đặc biệt cấu tạo nam châm? Có thể do danh tiếng đã được khẳng định và lưu truyền qua nhiều thập kỷ? Hoặc có thể do cả hai...
Lịch sử của Isophon bước sang một trang mới, gắn liền với tên tuổi của tiến sĩ Roland Gauder, một "thuyền trưởng" tài năng, nhiệt huyết và có thừa tham vọng. Ông quyết tâm vực dậy danh tiếng của Isophon, biến hãng này trở thành một đại diện ưu tú của nước Đức trong trào lưu hi-end bắt đầu xuất hiện.
Isophon được tổ chức lại thành hai nhánh, một nhánh chuyên về gia công thiết bị âm thanh cung cấp cho các hãng sản xuất ôtô, một nhánh khác tập trung vào nghiên cứu - sản xuất các thiết bị hi-end, do Roland Gauder lãnh đạo, được gọi là Acoustic Consulting. Phân xưởng sản xuất chính của Isophon vẫn được đặt tại Berlin.
Xuất thân từ một tiến sĩ vật lý, Gauder rất chú trọng tới nghiên cứu cơ bản. Từ thời học đại học, ông đã mất nhiều năm tháng mài đũng quần trên ghế thư viện để nghiên cứu về những lý thuyết cơ bản trong công nghệ chế tạo loa, vừa nghiên cứu vừa mày mò áp dụng trên thực tế bằng cách lắp loa cho những người bạn. Ông đã phát hiện ra nhược điểm căn bản của hệ thống các chỉ tiêu Thiel - Small (một hệ thống tiêu chí khá phổ dụng, được phần lớn các hãng sản xuất loa áp dụng). Ông cho rằng hệ thống này mới chỉ tập trung vào các chỉ tiêu vật lý liên quan trực tiếp đến driver (củ loa), mà chưa chỉ ra được sự tác động qua lại với thùng loa, cũng như ảnh hưởng của tần số hoạt động của loa với kết cấu thùng loa... Tóm lại, Gauder rút ra một kết luận: nếu chỉ căn cứ vào các chỉ tiêu kinh điển của hệ thống Thiel - Small để thiết kế loa thì sẽ không xử lý hết các khiếm khuyết có thể gặp phải, và cần phải có một cách tiếp cận rộng hơn. Từ đó, ông quyết tâm xây dựng một hệ thống công thức và các chỉ tiêu riêng cho mình.
Khởi đầu, Gauder tập trung vào bộ phân tần. Dựa trên nguyên lý của phân tần bậc 4, ông đã tìm cách thêm bớt, thay đổi một vài chi tiết, đảo vị trí của các linh kiện thụ động như tụ, cuộn cảm... để tạo nên một bộ phân tần bậc cao có độ chính xác cao hơn và khắc phục được những nhược điểm vốn có của dạng phân tần bậc cao. Ông cũng chú ý tới giải quyết sự xung đột pha giữa các dải tần số, đặc biệt là dải tần trung (bị kẹp giữa dải tần cao và dải tần thấp). Những tiêu chí riêng do Gauder thiết kế ra đã được áp dụng cho tất cả các sản phẩm của Isophon, từ giữa thập niên 80. Ngay lập tức, các sản phẩm đầu tiên được chế tạo dưới bàn tay "phù thuỷ" Gauder đã được báo chí Đức hết lời ca ngợi.
Không dừng lại ở đó, Gauder tiếp tục tìm tòi, liên tục đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề hết sức thông minh và triệt để. Ông tập trung vào việc ứng dụng các loại vật liệu mới để chế tạo màng loa, cone loa, nam châm, cuộn cảm và thậm chí cả thùng loa. Năm 2001, Isophon giới thiệu model loa cột 3 đường tiếng Europa, một thiết kế khá độc đáo: có tới 3 loa trung được đặt tần số cắt hợp lý để tránh suy giảm ở tần số cận cao và cận thấp, trong đó có một loa trung được bố trí ở cạnh bên của loa. Thiết kế này cũng được áp dụng cho model Vieta ra đời sau đó. Ở các model sau, bộ phân tần tiếp tục được cải tiến. Gauder cũng bắt đầu ứng dụng rộng rãi vật liệu gốm làm màng loa, và khéo léo kết hợp các vật liệu: gỗ MDF, plastic, nhôm và cát làm thùng loa. Những nỗ lực đó đã khiến cho Isophon luôn tạo được tiếng vang tại các triển lãm nghe nhìn quốc tế. Thậm chí ngay cả các model thuộc tầm trung của Isophon như Solaris, Helios, Comet, Meteo, Armageddon, Stonehenge và gần đây nhất là Corvara, Cortina, Cassiano cũng luôn được đánh giá cao, chứng tỏ một đẳng cấp đã được thừa nhận của thương hiệu Isophon.
Nếu bạn đã từng được nghe bất kỳ sản phẩm nào của Isophon, bạn cũng sẽ nhận thấy cặp loa đó có một đặc trưng riêng không thể hoà lẫn với các cặp loa khác, để lại trong bạn một ấn tượng rất khó phai. Luôn là một thứ âm thanh chắc nịch, đậm đặc và rất chi tiết hiện diện trong các sản phẩm loa của Isophon, cá tính như tính cách của người Đức.
Thế Giới Nghe Nhìn
No Response to "Isophon: Thành công không trải hoa"
Leave A Reply